Cao Bằng có 47 hồ lớn, nhỏ, bao gồm hồ tự nhiên và nhân tạo. Hồ tự nhiên chủ yếu là hồ cacxtơ, tiêu biểu là hồ Thang Hen và hồ Đồng Mu. Hồ nhân tạo có các hồ: Khuổi Lái, Nà Tấu, Khuổi Áng, Khuổi Khoán (huyện Hoà An), hồ Bản Nưa (huyện Hà Quảng), hồ Bản Viết (huyện Trùng Khánh)...
Hồ Thăng Hen
Thuộc khu vực cao nguyên đá vôi miền Đông, nằm ở độ cao 500 - 600m so với mặt biển, cách đèo Mã Phục gần 4km, thuộc xã Quốc Toản (huyện Quảng Hòa), tiếp giáp các xã: Cao Chương (huyện Trùng Khánh) và Nguyễn Huệ, Ngũ Lão (huyện Hoà An), hồ Thăng Hen được hình thành do miền núi đá vôi bị bào mòn hoặc bị nước đục khoét sụt xuống hình thành hồ.
Vùng hồ Thăng Hen bao gồm các hồ to, nhỏ khác nhau. Vào mùa lũ lớn, nước hồ tràn sang các thung lũng xung quanh tạo thành chuỗi 36 hồ nước. Diện tích hồ Thăng Hen rộng nhất trong 36 hồ nước ngọt tự nhiên này. Giữa những mỏm núi cao hùng vĩ, Thăng Hen nằm lọt thỏm như một chiếc gương xanh màu ngọc bích. Đến với hồ Thăng Hen, du khách có dịp đi thuyền trên mặt hồ, ngắm nhìn phong cảnh tươi đẹp hai bên với rừng núi bao bọc, thấp thoáng phía chân núi là những nếp nhà sàn truyền thống của bà con dân tộc Tày, Nùng đặc trưng của vùng đất Cao Bẳng.
Hồ Nặm Chá
Nặm Chá (xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh) là hồ nước nằm trong hệ thống hồ Thăng Hen, cách danh lam thắng cảnh hồ Thăng Hen khoảng 2 km. Điểm đặc biệt của hồ Nặm Chá là điểm di sản Mắt Thần Núi khổng lồ nằm ở giữa hồ. Với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ, hoang sơ, đây là địa điểm thu hút rất nhiều nhiếp ảnh gia, du khách tham quan, khám phá.
Vào mùa mưa, du khách sẽ vô cùng choáng ngợp trước cảnh sắc hữu tình của hồ Nặm Chá, đặc biệt là ngọn núi Mắt Thần nằm ở giữa hồ in bóng trên mặt nước, xung quanh là những cồn cỏ xanh ngát với những đàn ngựa thong dong gặm cỏ. Mùa khô, nước rút đi trả lại các gò đất và những con suối uốn lượn bao bọc lấy thảm cỏ mênh mông...
Hồ Bản Viết
Hồ Bản Viết (Phong Châu - Trùng Khánh) là hồ nước nhân tạo rộng 5 ha, chia làm 4 nhánh và được bao bọc bởi những ngọn núi và thảm thực vật. Hệ sinh thái quanh hồ đa dạng, phong phú, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc nhưng không kém phần thơ mộng.
Dọc theo con đường quanh co giữa núi rừng, hồ Bản Viết hiện lên như tấm gương khổng lồ, mặt nước màu xanh ngọc bích lấp lánh dưới nắng vàng. Xung quanh là những cánh rừng sau sau ôm lấy hồ, mỗi mùa lại thay màu áo mới. Mùa hạ rừng cây xanh thẳm, mùa thu đông lại khoác trên mình màu áo đỏ lãng mạn đẹp tựa trời Âu.
Trong chuyến hành trình trở về với thiên nhiên tại Cao bằng, sẽ thật thiếu sót nếu du khách không dành chút thời gian để hòa mình vào cùng núi rừng, sông nước, chiêm ngưỡng hết những gì thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này để làm tiêu tan đi những mệt mỏi, bận bịu đời thường.
Tác giả bài viết: Hồng Son
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn