Với cảnh sắc thiên nhiên thanh bình, nhiều giá trị văn hóa truyền thống còn được lưu giữ, xã Tiên Thành là một địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Đến với nơi đây, du khách sẽ vô cùng ấn tượng với làng Tày cổ tại xóm Bản Giuồng, với Lễ hội Nàng Hai gắn với truyền thuyết về nàng công chúa Mạc Tiên Giao - người khởi xướng ra các làn điệu dân ca lượn slương, lượn hai của mảnh đất Tiên Thành ngày nay. Cứ hai năm một lần, lễ hội được tổ chức trong niềm hân hoan của người dân Tiên Thành. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo thể hiện tục cầu mùa, mời các Nàng Hai (con gái của Mẹ Trăng) ở trên trời xuống thăm trần gian và giúp dân làng làm ăn, mùa màng bội thu. Đặc biệt, Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017.
Nhà sàn Tày cổ | Bếp lửa hồng những ngày chớm đông |
Bản Giuồng được xây dựng thành làng du lịch cộng đồng từ năm 2018. Xóm có 75 hộ, đa số là dân tộc Tày. Những ngôi nhà sàn ở Bản Giuồng đã hàng trăm tuổi được gìn giữ nguyên vẹn. Đặc biệt, bà con dân tộc Tày còn lưu giữ kho tàng hàng trăm câu chuyện xa xưa, câu tục ngữ và bài hát Then cổ cùng với các phong tục truyền thống.
Từ khi ý thức được bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, nơi đây được đầu tư khá cơ bản từ các công trình phụ, di dời chuồng trại hợp vệ sinh. Xóm cũng đã xây dựng được đội văn nghệ, thường xuyên tập hát các làn điệu lượn Then và lượn Nàng Hai để du khách thưởng thức, trải nghiệm. Người dân Bản Giuồng làm du lịch bằng nền văn hóa lâu đời, bằng sự tự nhiên vốn có của làng quê và lòng mến khách của người vùng cao. Bà Đinh Thị Ngọn, một trong những hộ đầu tiên kinh doanh dịch vụ homestay tại đây tâm sự: Thời gian qua, gia đình tôi đã hợp tác với đội văn nghệ của xóm, tổ chức các buổi hát Then, lượn Nàng Hai, phong slư, giao lưu văn nghệ với du khách. Du khách đến đây đều nhận xét nơi đây rất đẹp, yên bình, không khí trong lành. Sau khi qua đợt dịch Covid-19, gia đình cũng mong được các cấp chính quyền giúp đỡ, cho mở rộng du lịch, gia đình tôi luôn sẵn sàng đón tiếp du khách.
Những thiếu nữ Tày hái lúa nếp | Thưởng thức xôi vừng - đặc sản vùng đất Tiên Thành |
Tham gia làm du lịch với mục tiêu gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường xã hội nhằm phát triển du lịch bền vững. Mặt khác, phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân thông qua các dịch vụ phục vụ khách. Những năm qua, xã Tiên Thành luôn chú trọng thành lập các đội văn nghệ xóm, bản, xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, thưởng thức món ăn truyền thống, hình thành các điểm trải nghiệm gần gũi với đời sống người dân… Ông Đinh Văn Đại, Trưởng xóm Bản Giuồng cho biết: Vào mùa lúa chín, du khách đến với Bản Giuồng sẽ được trải nghiệm gặt cùng bà con. Điều này mang lại sự thích thú, mới mẻ cho du khách. Ngoài ra, xóm có điểm trải nghiệm bắt cá, bắt vịt, ra đồng súc tôm, tép, đi cấy, đi cày... Bà con đưa du khách đến tham quan hang Ngườm Cái, mỏ bom Mỹ…
Đến với Tiên Thành, du khách còn được khám phá: hang Ngườm Riềm (còn gọi là hang Diêm), một hang động đẹp, khá sâu, kỳ vĩ; vọng gác của tướng Đinh Văn Tả (ông từng đóng quân ở đây khi được nhà Lê cử lên dẹp nhà Mạc ở thành Phục Hòa); trải nghiệm dịch vụ chèo thuyền Kayak, xuồng phao… hứa hẹn sẽ là những điểm đến thú vị cho du khách khi ghé thăm vùng đất cổ này.
Từ Tiên Thành, có thể kết nối với các điểm khác ở xung quanh như: hang Ngườm Pục, núi Báo Đông (huyện Thạch An); dọc theo Quốc lộ 208 kết nối với cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (Trùng Khánh), hay nhà tưởng niệm Bế Văn Đàn (Quảng Hòa); hoặc có thể kết nối với các khu, điểm du lịch nổi tiếng tại huyện Trùng Khánh, Hạ Lang...
Điều thuận lợi trong phát triển du lịch ở Tiên Thành, đó chính là nền văn hóa của người Tày đã có từ lâu đời. Xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, kết hợp với gìn giữ và bảo tồn văn hóa đặc sắc là mục tiêu trong thời gian tới ở Tiên Thành.
Ông Đinh Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Tiên Thành cho biết: Thời gian tới, xã sẽ bổ sung những điểm du lịch này vào quy hoạch nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và giao cho Ban quản lý xã, các xóm tập trung quản lý. Chúng tôi sẽ phát huy lợi thế của địa phương, đồng thời sử dụng những nguồn kinh phí của Nhà nước và những nguồn kinh phí xã hội khác, lồng ghép để vừa phát triển nông - lâm nghiệp, vừa phát triển du lịch.
Đến với Tiên Thành để cảm nhận những giá trị xưa với nhiều nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày. Ngắm nhìn cánh đồng lúa vàng óng ả, uốn lượn quanh bản làng; thưởng thức những món ăn bình dị đậm hồn quê của vùng sơn cước; hòa mình cùng đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và không gian văn nghệ trong những ngôi nhà sàn đã hàng trăm tuổi… Một chút yên bình đó thôi để cảm nhận nét giản dị, độc đáo của văn hóa Tày truyền thống miền non nước Cao Bằng.
Tác giả bài viết: Hồng Son
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn