Ngày hội tổ chức nhiều nội dung tranh tài, như: thi giã bánh dày; trình diễn trang phục, chương trình liên hoan nghệ thuật quần chúng; trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm văn hóa du lịch… Để tham gia đầy đủ các nội dung, đoàn Cao Bằng xây dựng chương trình tổng hợp nhưng phân công từng bộ phận, cán bộ phụ trách, diễn viên quần chúng đảm nhiệm từng tiết mục và tổ chức tập luyện riêng. Kết cấu toàn bộ các nội dung chương trình vẫn logic, hòa quyện với nhau để tạo thành một nội dung chuyển tải được thông điệp chung chủ đề ngày hội đưa ra là “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển” gắn với các nét văn hóa riêng của người Mông ở Cao Bằng hòa quyện trong sắc màu văn hóa dân tộc Mông các tỉnh bạn.
Tại nội dung liên hoan văn nghệ quần chúng, Đoàn Cao Bằng đã mang đến ngày hội 5 tiết mục với các làn điệu dân ca, hát đối, dân vũ... phản ánh cuộc sống lao động, chinh phục tự nhiên và mong ước về cuộc sống hạnh phúc, no đủ. Đặc sắc nhất là tiết mục múa khèn nam - nhạc cụ “linh hồn” của người Mông qua các động tác uyển chuyển giàu tính ước lệ của các diễn viên đã tạo nên một tiết mục gây ấn tượng mạnh với các tỉnh bạn và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Trong văn hóa truyền thống của người Mông Cao Bằng, bánh dày có vai trò quan trọng đối với đời sống hằng ngày và mang ý nghĩa tâm linh; là loại bánh quý được dùng trong thờ cúng, thể hiện quan niệm về vũ trụ vạn vật, tỏ lòng thành kính, hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên. Đây là vật phẩm không thể thiếu trong các nghi lễ gắn với vòng đời của người Mông. Nhưng khi tham gia nội dung thi giã bánh dày tại ngày hội, để tạo nên dấu ấn riêng, Đoàn nghệ nhân dân tộc Mông Cao Bằng đã giới thiệu món bánh dày mang tên “Hồn núi” đến với Ban Giám khảo và du khách với hình ảnh bức tranh về danh thắng quốc gia Mắt Thần núi (Trùng Khánh) được xếp từ những chiếc bánh dày tròn đều, trắng mịn. Những chiếc khèn Mông xung quanh là biểu tượng cho người Mông hiện đang sinh sống, bảo vệ di sản Mắt Thần núi - món quà thiên nhiên ban tặng cho vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Những chiếc bánh dày sắp xếp liền nhau như sự đoàn kết, hòa thuận của người Mông và các dân tộc anh em đã phát huy vẻ đẹp của Mắt Thần núi, ngày càng thu hút được nhiều du khách đến tham quan, góp phần xây dựng, quảng bá vẻ đẹp quê hương Cao Bằng.
Tạo nên dấu ấn đậm nét nhất và trở thành một trong những điểm nhấn tại nội dung trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông trong ngày hội ở Lai Châu chính là tiết mục trình diễn trích đoạn nghi lễ “Rước ma giữ lửa” mà đoàn Cao Bằng mang đến.
Trong khuôn viên diễn ra ngày hội, không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa du lịch của Cao Bằng đã thu hút nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu tham quan. Qua các bức ảnh, hiện vật, nông sản đặc sản địa phương… được trưng bày, giới thiệu, bức tranh toàn diện, đậm nét về cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông miền non nước được thể hiện sống động trong dòng chảy của sự phát triển, cùng với sự quan tâm, tạo mọi điều kiện của Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp, đã và đang ra sức vươn lên để xây dựng cuộc sống ngày một giàu đẹp.Theo nghệ nhân Vương Văn Sinh, xã Đa Thông (Hà Quảng), người Mông trực tiếp tham gia cùng các thành viên đoàn thực hiện nghi lễ chia sẻ: Nghi lễ “Rước ma giữ lửa” của người Mông với các nghi thức: Mời thần giữ lửa của gia đình, dòng họ; nghi thức đón ma giữ lửa vào trong nhà để nhận lễ của gia đình; nghi thức treo rọ (Thần giữ lửa) trong nhà… là hoạt động văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Mông. Nghi lễ truyền thống có từ rất lâu đời mang đậm nét văn hóa riêng biệt trong đời sống của mỗi gia đình, dòng họ đồng bào dân tộc Mông. Người Mông quan niệm mỗi dòng họ đều có vị thần giữ lửa riêng của mình, nên ngay sau khi kết hôn và dựng nhà mới, người chủ gia đình sẽ chọn ngày lành tháng tốt đưa bàn thờ tổ tiên vào nhà và thực hiện nghi lễ rước thần giữ lửa của dòng họ để phù hộ độ trì cho gia đình làm ăn phát đạt, vợ chồng hòa thuận và gặp nhiều may mắn.
Bà Triệu Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đoàn Cao Bằng tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng đã nỗ lực chuẩn bị chu đáo, các diễn viên quần chúng nhiệt tình tham gia luyện tập với mong muốn góp tạo nên một ngày hội thực sự ý nghĩa, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc. Kết quả, đoàn đã đoạt 2 giải A, 4 giải B, 3 giải C, trong đó, nội dung liên hoan văn nghệ quần chúng đoạt 1 giải A (tiết mục múa khèn nam “Từ trên đỉnh núi”), 2 giải B, 2 giải C; 1 giải C thi trình diễn trang phục truyền thống; 1 giải A trình diễn trích đoạn nghi lễ “Rước ma giữ lửa” - nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông. Giải B nội dung thi giã bánh dày. Giải B không gian trưng bày, giới thiệu sắc màu văn hóa dân tộc Mông tỉnh Cao Bằng; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen có thành tích tham gia ngày hội.
Việc tham gia ngày hội có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn, giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mông, làm phong phú thêm các hoạt động trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân tộc Mông gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch miền non nước.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn