Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III là hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành đến đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông. Đây cũng là dịp để đồng bào cả nước nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng có ý thức trách nhiệm với văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng. Ngày hội đem đến giá trị tinh thần lan tỏa tích cực, tôn vinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, không chỉ là niềm vui của đồng bào dân tộc Mông mà còn là niềm vui chung của các dân tộc trong cả nước.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Cao Bằng và các địa phương tham gia, góp phần kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh sau thời gian dài nhiều hoạt động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Ngày hội năm nay thu hút sự tham gia của gần 3.000 khách mời, nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng, đồng bào dân tộc Mông đến từ 11 tỉnh gồm: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Đắk Lắk, Thanh Hóa và sự phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương. Từ suối nguồn Pác Bó, Đoàn nghệ nhân dân tộc Mông tỉnh Cao Bằng với gần 30 thành viên đã đem đến Ngày hội những phần thi đặc sắc như: Liên hoan văn nghệ quần chúng với các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc trưng của dân tộc Mông; trình diễn trang phục dân tộc Mông; trình diễn, giới thiệu trích đoạn nghi lễ, nghi thức sinh hoạt văn hóa và các trò chơi dân gian của dân tộc Mông; thi giã bánh giày, các trò chơi dân gian truyền thống; thi Không gian trưng bày văn hoá dân tộc Mông…
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu là sự kiện văn hóa quy mô lớn, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; là dịp để các diễn viên, vận động viên, nghệ nhân đồng bào Mông gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tỉnh Cao Bằng tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Kết quả, đoàn Cao Bằng đã đem về 2 giải A: nghi lễ “Rước ma giữ lửa”; tiết mục văn nghệ múa khèn Mông “Từ trên đỉnh núi”; 4 giải B: Không gian sắc màu văn hoá dân tộc Mông, thi giã bánh giày, tiết mục văn nghệ “Song tấu sáo Mông, kèn lá”, “Lời tỏ tình”; 3 giải C: Trình diễn trang phục dân tộc, tiết mục văn nghệ đơn ca nữ “Trọn đời ơn Đảng”, tốp ca nam nữ “Chợ phiên gặp gỡ”.
Tại lễ Bế mạc, Đoàn Cao Bằng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen; UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen có nhiều đóng góp tích cực trong tổ chức Ngày hội; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Bằng khen cho các tỉnh biên giới tham gia Ngày hội.
Một số hình ảnh khác trong khuôn khổ ngày hội:
Tác giả bài viết: Hồng Son
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn