Người Mông có đời sống văn hóa, tín ngưỡng truyền thống rất phong phú. Những quan niệm về vũ trụ, về linh hồn, về con người, vạn vật, và đặc biệt về “thế giới ma và thần linh” của người Mông đã tồn tại từ rất lâu và được lưu giữ cho đến tận ngày nay.
Các dạng thức tín ngưỡng chủ yếu của người Mông là: thờ cúng tổ tiên, thờ thổ công, thờ các loại ma, các loại thần linh, tín ngưỡng liên quan đến chu kỳ đời người, thờ cúng nông nghiệp. Đặc biệt, trong những hoạt động văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông có nghi lễ rước thần giữ lửa của dòng họ (niam txiv dab tsoog dab tsev). Đây là một nghi lễ truyền thống có từ rất lâu đời mang đậm nét văn hóa riêng biệt trong đời sống của mỗi gia đình, dòng họ đồng bào dân tộc Mông.
Ngay sau khi kết hôn và dựng nhà mới, chủ gia đình sẽ chọn ngày lành, tháng tốt đưa bàn thờ tổ tiên vào nhà và tiến hành làm nghi lễ rước thần giữ lửa vào nhà. Điều đặc biệt, nghi lễ này không phải được thực hiện bởi thầy mo, thầy cúng mà do chính người chủ nhà là người hành lễ, và nhờ anh em trong nhà phụ giúp.
Trước khi làm lễ, chủ gia đình sẽ chuẩn bị sẵn một chiếc rọ nhỏ được đan thủ công bằng lạt của cây tre, và một con lợn, hoặc con chó, không quy định về độ to nhỏ.
Đầu tiên chủ nhà đội mũ, trên tay cầm 01 que củi cháy, 01 quả trứng và 03 ngọn cỏ lau đứng ngay trước cửa nhà bắt đầu khấn gọi thần linh của tổ tiên đến chứng giám.
Hỡi thần giữ lửa.
Hôm nay ngày lành, tháng tốt, gia đình có con vật nuôi để dâng lên thần.
Cầu mong thần hãy về canh giữ, phù hộ cho gia đình, vợ chồng, con cái luôn ấm no hạnh phúc, cây trồng, vật nuôi của nhà được phát triển tươi tốt.
Khi đã mời thần giữ lửa xong, gia đình bắt đầu đưa con vật làm lễ ra thịt. Nghi thức này có thể được thực hiện lặp lại mỗi năm một lần và mổ vật cúng luân phiên. Nếu năm ngoái, gia đình đã mổ con chó làm vật cúng tế thì năm nay vật cúng sẽ là con lợn. Tuy nhiên, dù là con chó hay con lợn đều bắt buộc phải là “con cái” chứ tuyệt đối không sử dụng con đực để làm vật cúng.
Anh Vương Văn Tề, dân tộc Mông, hiện đang sinh sống tại xóm Nà Pản, xã Đa Thông, huyện Hà Quảng cho biết: Khi người chủ nhà làm lễ, mọi người xung quanh có thể nói chuyện, giao tiếp thoải mái bằng tiếng dân tộc Mông, nhưng anh em, bạn bè đến dự tuyệt đối không được nói chuyện bằng ngôn ngữ của dân tộc khác. Bởi người Mông quan niệm thần giữ lửa là vị thần đặc biệt, lưu giữ những giá trị truyền thống thuần túy riêng của gia đình dòng họ người Mông. Chính vì thế nếu trong quá trình làm lễ mà có người nói chuyện bằng tiếng của dân tộc khác thì vị thần đó không phải của riêng gia đình dòng họ người Mông nữa.
Khi làm thịt con vật tế và luộc chín xong, chủ nhà sẽ cùng anh em đi vào trong nhà và đóng cửa lại để hành lễ. Họ đóng cửa để ngăn những con ma xấu và rước ma tốt vào nhà. Trong nhà, gia chủ đã sắp mâm lễ có sẵn 05 ống đựng đồ lễ, và 05 chén được làm từ cây trúc để đựng nước canh, và một đoạn tre nhỏ được buộc bằng sợi dây tượng trưng đã buộc chân con vật làm lễ dâng cho thần giữ lửa.
Chủ nhà bắt đầu dùng vỏ quả bầu hồ lô đã được đục sẵn một lỗ nhỏ, múc 03 lượt nước canh luộc thịt cho vào chén, sau mỗi lượt múc lại khấn:
Hỡi thần giữ lửa! Hôm nay ngày lành, tháng tốt gia đình làm lễ để dâng lên thần.
Nếu người Mông đến thì mang đến 09 cặp vợ chồng
Nếu kẻ xấu đến thì mang đến 10 cặp nô lệ
Người Mông đến thì mang vòng vàng to bằng cổ tay
Kẻ xấu đến thì mang vòng vàng chỉ bằng sợi chỉ.
Sau mỗi lượt rót và khấn, các chén nước canh được đưa cho mọi người xung quanh cùng uống để lấy may mắn. Với sự trợ giúp của mọi người, chủ nhà bắt đầu cắt mỗi thứ 05 miếng đầy đủ bộ phận nội tạng, chân, đuôi, đầu của con vật, 01 quả trứng và cơm, đựng vào 05 ống.
Ba loại lễ vật là: cơm, trứng và thịt ba chỉ là 03 thứ đồ lễ bắt buộc phải được đặt vào bát lễ đầu tiên, sau đó mới đến các bộ phận khác.
Riêng phần thủ của con vật tế thì được đặt thứ tự, phần miếng thịt môi được đặt ở bát đầu tiên, sau đó mới đặt phần thịt thủ ở các bát tiếp theo tính thứ tự từ trái sang phải của mâm lễ; phần thịt thủ và thịt của 04 chân giò khi đặt vào làm lễ thì được đặt chéo nhau giữa các bát ở trong mâm.
Sau khi đã rót đủ 03 lần nước canh và 05 lần khấn đồ lễ đúng với phong tục của gia đình, dòng họ, gia chủ sẽ ăn 01 bát cơm cùng thần linh và sau đó tiến ra cửa đọc những câu khấn.
Hỡi thần canh giữ lửa!
Hôm nay ngày lành, tháng tốt gia đình đã đón người về để canh giữ và phù hộ cho gia đình luôn ấm no hạnh phúc, đồ dùng, vật nuôi trong nhà được phát triển mãi mãi.
Giờ đây mở cửa để đón lộc vào nhà, của cải vật nuôi trong nhà cũng ra ngoài để tìm kiếm thức ăn.
Từ lúc đó cánh cửa của gia đình được mở ra, và tiếp đón anh em họ hàng, bạn bè gần xa thoải mái trò truyện bằng ngôn ngữ của dân tộc Mông và các dân tộc anh em khác.
Người chủ nhà quay lại và bắt đầu đặt một bát đồ cúng trong mâm lễ lên giường của hai vợ chồng. Các bát còn lại được đưa cho mọi người đem ra bếp lửa nướng và cùng nhau ăn để lấy lộc. Đồng thời, gia chủ đem chiếc rọ đựng bên trong là quả bầu và thanh tre nhỏ được buộc dây (đại diện cho thần canh giữ lửa gia đình) buộc lên tường ngay phía trên chiếc giường của hai vợ chồng chủ nhà, hướng ra bếp để trông, giữ lửa và luôn sưởi ấm, phù hộ cho gia đình làm ăn phát đạt. Chiếc rọ mang hồn thần có thể được tháo xuống làm lễ nhiều lần nếu trong gia đình có người ốm đau hoặc xảy ra việc ngoài ý muốn.
Nghi lễ rước thần giữ lửa là nghi thức tín ngưỡng quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống gia đình, dòng họ người Mông. Ngày nay, trong xu thế hội nhập và phát triển, đồng bào dân tộc Mông ở Cao Bằng vẫn luôn gìn giữ được bản sắc riêng của mình góp phần làm phong phú thêm sắc màu các dân tộc Việt Nam.
Tác giả bài viết: Phòng Nghệ thuật Quần chúng – TTVH&TTDL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn