Làng Tày cổ Khuổi Ky
Khuổi Ky là tên của một ngôi làng khá đặc biệt trong quần thể khu du lịch thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh), nằm bên tỉnh lộ 206, trên đường vào khám phá động Ngườm Ngao.
Làng có 14 căn nhà sàn bằng đá trải rộng khoảng 10.000 m2, dựa lưng vào núi đá, phía trước là dòng suối Khuổi Ky. Những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây lên như những "pháo đài" từ thời nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây thành quách để phòng thủ (1594-1677). Đến nay, những ngôi nhà sàn cổ vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, mang dáng dấp cổ xưa, tạo nên nét cổ kính, nhuốm màu huyền thoại cho ngôi làng vùng biên giới này. Để đa dạng dịch vụ trải nghiệm cho du khách, người dân nơi đây đã thành lập những đội hát Then để vừa làm du lịch, vừa lan tỏa văn hóa dân tộc.
Làng Pác Rằng - "thủ phủ" nghề rèn
Tọa lạc bên cạnh quốc lộ 3, trên đường từ TP. Cao Bằng đi vào các huyện miền Đông, thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, làng Pác Rằng là nơi sinh sống của bà con dân tộc Nùng An với nghề rèn nổi tiếng. Nơi đây còn được mệnh danh là "xưởng rèn thủ công" lớn nhất miền Bắc - một trong những điểm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Ngay từ đầu làng, du khách đã nghe tiếng quai búa nện nhịp nhàng, tiếng xì xèo của những thanh sắt nóng đỏ khi ngâm vào nước lạnh. Nhịp sống Pác Rằng là âm thanh rèn từ những đôi bàn tay rắn chắc, khéo léo, ngày ngày giữ “hồn” nghề rèn truyền thống của người Nùng An… Đặc biệt, trong làng Pác Rằng hiện vẫn còn lưu giữ được những ngôi nhà sàn vách trát đất trộn với rơm, mái lợp ngói âm dương. Trải qua thăng trầm của lịch sử và thời gian, những ngôi nhà sàn này vẫn trường tồn, vững chãi, chở che cho những cư dân hiền lành, chất phác.
Làng Tày cổ Bản Giuồng
Cách trung tâm TP. Cao Bằng khoảng 50 km, làng Tày cổ Bản Giuồng là một điểm du lịch cộng đồng không thể bỏ qua đối với những ai mong muốn tìm cho mình sự thảnh thơi, hòa mình vào cuộc sống bà con dân tộc Tày và trải nghiệm văn hóa bản địa...
Ngoài cảnh sắc tự nhiên thì những ngôi nhà sàn hàng trăm tuổi chính là điểm níu chân du khách khi đến Bản Giuồng. Những ngôi nhà sàn lợp bằng ngói âm dương tựa lưng vào núi, phía trước là cánh đồng lúa trải dài. Vật liệu làm nhà sàn chủ yếu là gỗ, nhưng hai bên vách của nhà sàn ở Bản Giuồng được bọc thêm những tấm cót được người dân đan thủ công. Các hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt, lao động sản xuất cùng bà con như: trồng lúa, chăn nuôi, nấu ăn; thưởng thức, giao lưu văn nghệ, hát Then, hát lượn Nàng Hai … cũng là điểm thú vị thu hút khách du lịch kết hợp việc nghỉ dưỡng với du lịch cộng đồng.
Chính quyền địa phương đã bắt đầu chú trọng vào các hoạt động phát triển du lịch văn hóa tại Bản Giuồng. Dịp Tết đến xuân sang, du khách tới tham quan Bản Giuồng có dịp được trẩy hội Nàng Hai, thưởng thức các làn điệu cổ của dân tộc Tày như: lượn Slương, lượn lượn Nàng Hai, Phong Slư…; được hòa mình trọn vẹn vào không gian văn hóa dân tộc Tày đặc trưng ở Cao Bằng.
Tìm về bản làng cổ của người Dao Tiền - bản Hoài Khao
Hoài Khao (xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình) là một trong những địa điểm du lịch mới tại Cao Bằng. Nếu bạn muốn tìm kiếm cho mình một không gian vùng quê trong lành, vẫn vẹn nguyên giá trị thuần túy của cảnh sắc trời đất núi rừng, thì làng Hoài Khao là một điểm đến lý tưởng dành cho du khách.
Nằm trong tuyến trải nghiệm phía Tây "Khám phá Phja Oắc – Vùng núi của những đổi thay" của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, cách TP. Cao Bằng khoảng 60 km, Hoài Khao là nơi sinh sống của 34 hộ dân tộc Dao Tiền. Đến với làng Hoài Khao, du khách được tìm hiểu về nghề in hoa văn bằng sáp ong Khoái lên vải chàm tạo nên những bộ trang phục với hoa văn độc đáo.
Ngoài ra, Hoài Khao còn nổi tiếng với nghề chạm bạc truyền thống. Trong đời sống bà con dân tộc nơi đây, bạc giữ một vai trò rất quan trọng. Phụ nữ Dao Tiền đeo các loại trang sức bạc vừa để bảo vệ sức khỏe vừa làm điểm nhấn cho bộ trang phục.
Bên cạnh những bản làng cổ của người Tày, Nùng, Dao, rất nhiều bản làng của người Mông, Lô Lô, Sán Chỉ ở Cao Bằng vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa bản địa từ nhà ở, trang phục, nghề truyền thống đến lễ hội, dân ca, dân vũ, hoạt động nông nghiệp...
Đến với Cao Bằng hôm nay, có thể thấy văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc đã trở thành điểm nhấn đặc sắc, là yếu tố không thể thiếu để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là giải pháp để phát triển du lịch theo hướng toàn diện, bền vững.
Tác giả bài viết: Hồng Son
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn