|
Sau khi công bố xác định tỉnh Cao Bằng thuộc cấp 1, nguy cơ thấp (bình thường mới), ngày 18/10/2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) ban hành Công văn số 956/SVHTTDL-QLVHGD triển khai các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động lĩnh vực VHTT&DL” trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh lưu trú, điểm du lịch và các hoạt động lữ hành, vận chuyển du lịch được hoạt động trở lại. Đây được xem là những tín hiệu vui khi ngành dịch vụ, du lịch gần như “đóng băng” trong thời gian qua để tuân thủ các quy định phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Tuy nhiên, để đảm bảo PCD trong các dịch vụ du lịch, các cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh lữ hành phải xây dựng kế hoạch PCD tại cơ sở theo quy định; thường xuyên tự đánh giá và cập nhật an toàn PCD theo quy định của Bộ VHTT&DL; tạo mã QR-code để khuyến khích khách tham quan, du lịch thực hiện quét mã QR-code phục vụ công tác truy vết khi cần thiết.
Các đơn vị kinh doanh lữ hành khi tổ chức đón khách ngoài tỉnh, người từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa), các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3, cần thực hiện theo quy định của UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh.
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vào đúng thời điểm ngành du lịch tỉnh chuẩn bị đón mùa cao điểm hè 2021 đã khiến cho ngành du lịch “đóng băng”. Việc liên tục phải tạm ngừng hoạt động trong một thời gian dài để bảo đảm an toàn PCD khiến nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành cạn kiệt, khó khăn trong việc trang trải các chi phí duy tu bảo dưỡng, trả các khoản phí, lệ phí, giữ người lao động… 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành có mức tăng trưởng khá, tăng 42,8% so với năm 2020. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6/2021, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các địa phương thắt chặt biện pháp phòng, chống đại dịch nên doanh thu giảm mạnh. 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành giảm 11,9% so với năm 2020.
Hiện nay, trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch đang xây dựng những “điểm đến an toàn” để từng bước phục hồi hoạt động. Để đón đầu xu thế, Chi nhánh Công ty cổ phần Giáo dục Thương mại Du lịch quốc tế Toàn cầu xây dựng các chương trình du lịch, tour du lịch khép kín tại các điểm, khu du lịch với nguyên tắc đảm bảo an toàn cao nhất cho các điểm đến, các cơ sở dịch vụ và du khách, xây dựng các tour du lịch nội địa kết nối các điểm du lịch tại khu vực “vùng xanh” hợp lý, tạo điều kiện cho những du khách có đủ điều kiện về PCD được hưởng các dịch vụ, sản phẩm tốt nhất trong điều kiện cho phép.
Chị Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Giáo dục Thương mại Du lịch quốc tế Toàn cầu cho biết: Kế hoạch phục hồi của Công ty là tổ chức thực hiện các tour khép kín, an toàn giống như việc đưa các đoàn thể thao, đội bóng đi tham gia các giải đấu quốc tế vừa qua. Việc đảm bảo các yếu tố an toàn theo quy định trước khi khởi hành không chiếm quá nhiều chi phí so với giá thành một tour du lịch nên du khách có thể chấp nhận được. Tổ chức tour khép kín có thể không mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế nhưng sẽ tạo động lực, giúp ngành du lịch sớm phục hồi.
Ở thời điểm hiện tại, các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh rất “khát” du khách, việc thiết kế những tour du lịch an toàn tại vùng có cấp độ 1 đang được kỳ vọng giúp ngành “công nghiệp không khói” phục hồi. Đồng chí Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Để ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay và duy trì hoạt động, ngành du lịch tỉnh đang tham mưu, đề xuất với tỉnh về việc tiến tới tổ chức các tour “du lịch xanh”. Theo đó, chỉ những địa phương, khách du lịch, cơ sở kinh doanh, lữ hành đảm bảo các “tiêu chuẩn xanh”, “điều kiện xanh” mới được tham gia các hoạt động dịch vụ, lữ hành.
Để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế sau thời gian dài “đóng băng” với ưu tiên hàng đầu vẫn là an toàn của du khách và cộng đồng, ngành du lịch đang từng bước khởi động trở lại một cách bài bản, linh hoạt theo hướng mở cửa từng bước với các biện pháp, quy trình đón và phục vụ du khách bảo đảm an toàn trong trạng thái bình thường mới; xây dựng tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn, xác định điểm đến an toàn và chuẩn bị đón khách tại các địa phương “vùng xanh” gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình PCD.
Phấn đấu 100% người lao động phục vụ trong ngành được tiêm đầy đủ vắc xin phòng dịch Covid-19 và qua 14 ngày kể từ khi tiêm mũi cuối cùng; người lao động chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 chỉ được làm việc trực tuyến hoặc tại phòng làm việc độc lập; lao động tiếp xúc trực tiếp với khách như hướng dẫn viên, lái xe… phải được xét nghiệm kết quả âm tính trong vòng 48 giờ tính đến thời điểm bắt đầu công việc tiếp xúc với du khách; bảo đảm số lượng du khách mỗi đoàn đúng quy định của địa phương, có điểm đến/đi trong chương trình. Đối với khách ngoài tỉnh ở vùng có dịch cấp độ 1, 2 đến tỉnh phải đáp ứng yêu cầu tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, liều cuối cùng tiêm ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi dịch Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm vào tỉnh.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn