Cao Bằng: Liên kết để phát triển du lịch bền vững

Thứ tư - 29/07/2020 02:57
Thời gian qua, ngành Du lịch Cao Bằng đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhưng sự phát triển đó chưa thật sự bền vững, tương xứng với tiềm năng thế mạnh của du lịch Cao Bằng. Để khắc phục những hạn chế này, tỉnh đã bắt đầu chú trọng việc liên kết, hợp tác trong du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cao Bằng liên kết để phát triển du lịch

Khách sạn Bản Giốc - Quây Sơn sử dụng sản phẩm Trà Tiên KOLIA quảng bá tại Ngày hội kích cầu du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.(Ảnh: Hà Cương)
 

Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng tâm để khai thác và phát triển, hiện nay, tỉnh Cao Bằng đang phối hợp với các viện nghiên cứu, các tổ chức nước ngoài nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển du lịch. Đồng thời đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch của tỉnh, kết nối với điểm du lịch của tỉnh bạn, chuẩn bị khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn); đầu tư tôn tạo các điểm du lịch; liên kết phát triển du lịch với nước bạn Trung Quốc và một số tỉnh, thành trong nước, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với 5 tỉnh Việt Bắc (Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang); khảo sát liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc...

Thực tế cho thấy, hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, du lịch rất cần liên kết. Việc liên kết phát triển du lịch sẽ giúp các bên cùng phát huy lợi thế của mình, hoặc sử dụng tài nguyên du lịch của nhau để cùng xây dựng sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá du lịch. Qua đó, tăng khả năng cạnh tranh giữa các bên liên quan, nhằm thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến mỗi địa phương.

Để làm được điều này, thời gian tới, tỉnh cần chú trọng hơn nữa hoạt động xã hội hoá, đổi mới nội dung, hình thức, chất lượng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Hằng năm có kế hoạch mời các cơ quan truyền thông, hãng lữ hành lớn đến khảo sát, đánh giá và tuyên truyền về các sản phẩm du lịch của tỉnh; tổ chức các hoạt động liên kết và quảng bá tại các trung tâm phân phối khách lớn của Việt Nam như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh...

Bên cạnh việc liên kết trong tỉnh, liên kết giữa các vùng, các địa phương trong và ngoài nước thì xu thế liên kết song phương, đa phương giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch càng cần được đẩy mạnh. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ: Liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và kinh doanh cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí; liên kết trong xây dựng điểm đến, xây dựng sản phẩm và quảng bá, xúc tiến. Các doanh nghiệp du lịch cần đa dạng hoá sản phẩm du lịch và kết nối các tour, tuyến, khu, điểm du lịch; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến các loại hình du lịch có thế mạnh của địa phương; xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp để kết nối với các nguồn khách... Sự gắn bó chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong quá trình liên kết sẽ làm tăng sức hấp dẫn và giá trị của thương hiệu, sản phẩm, hiệu quả kinh doanh, đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch.

Trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, việc tăng cường liên kết phát triển là hướng đi cần thiết của du lịch Cao Bằng. Đặc biệt, tỉnh cần phát huy giá trị, lợi thế của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác từ trong nước và quốc tế, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, đưa Cao Bằng trở thành điểm đến không thể bỏ qua tại Việt Nam./.

Tác giả bài viết: Hồng Son

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây