Chiều về trên làng hương Phja Thắp (Ảnh: Hoài Nam).
Nghề rèn
Ở Cao Bằng, nơi có nghề rèn nổi tiếng nhất của người Nùng An là xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa. Nơi đây có 6 xóm đang duy trì và phát triển nghề rèn với khoảng trên 150 lò rèn đang hoạt động.
Nghề rèn ở Phúc Sen (Ảnh: Hoài Nam).
Để tạo ra một sản phẩm rèn cần trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe và kĩ thuật cao. Đầu tiên là cắt sắt thành đoạn, sau đó sơ chế sắt bằng cách cho vào lò nung đỏ cho mềm. Người thợ dùng búa nhanh tay cán mạnh thanh sắt nhiều lần để tạo dáng thô cho dụng cụ cần rèn. Khi đã tạo được dáng thô, người thợ tiếp tục tôi, mài đến khi sắc bén là hoàn thành. Sản phẩm rèn chủ yếu là các loại công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như dao, búa, rìu, cuốc, cào, đục,...
Đến thăm các lò rèn tại Phúc Sen, du khách có thể trải nghiệm quy trình để làm ra một loại nông cụ và mua sản phẩm rèn về sử dụng hoặc làm kỷ niệm.
Với ý nghĩa quan trọng trong đời sống người Nùng An, nghề rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019.
Nghề dệt thổ cẩm, nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong
Trong những nghề truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong của người Cao Bằng là độc đáo hơn cả.
Người dân dệt thổ cẩm để may quần áo, làm khăn, túi, mặt địu, vỏ chăn, tấm trải giường, vỏ gối… Kĩ thuật dệt thổ cẩm truyền thống đạt trình độ cao phải kể đến kĩ thuật của người Tày, Nùng.
Nghề dệt thổ cẩm của người Tày, Nùng Cao Bằng (Ảnh: Xuân Quỳnh).
Người Tày, Nùng dùng phương pháp dệt để tạo ra một tấm thổ cẩm với các công đoạn như: Quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải. Họ sử dụng sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu để dệt. Đặc biệt, hoa văn trên thổ cẩm được dệt ở mặt trái để hiện lên ở mặt phải của tấm vải. Trên tấm thổ cẩm thường có 6 màu chủ đạo, gồm: Xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen. Hoa văn được người dân đưa vào thổ cẩm là hình ảnh của những loài hoa, chim muông, thú quý... quen thuộc với đời sống thường ngày.
Còn người Dao Tiền thì có phương pháp thêu và in hoa văn bằng sáp ong hết sức độc đáo. Trên những tấm vải trắng được dệt từ sợi đay, sợi bông, họ dùng miếng đá phẳng mài nhẵn, chia thành nhiều ô, cột bằng nhau. Sáp ong được đun đến khi tan chảy rồi lọc bỏ tạp chất. Sau đó, họ dùng các dụng cụ làm từ cây trúc vót mỏng chấm vào sáp ong rồi in lên mặt vải để tạo hình khối như ý muốn. Sau khi đã in hoa văn, vải đem đi nhuộm chàm đến khi được màu như ý thì nhúng vào nước sôi, lúc này sáp ong bị nóng sẽ tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm rất đẹp. Bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, phụ nữ Dao Tiền còn thêu lên mặt vải những họa tiết hình học, cỏ, cây, hoa, lá, chim, thú thể hiện sự sáng tạo, tỉ mỉ trong những tấm thổ cẩm.
Truyền nghề thêu thổ cẩm của người Dao Tiền (Ảnh: Phạm Khoa).
Hiện nay, xóm Lũng Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng là địa phương duy nhất còn lưu giữ và phát triển được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày, Nùng. Xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình là nơi duy trì nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền.
Nghề làm hương
Trong đời sống tâm linh của người dân Cao Bằng, phong tục thắp hương thờ cúng tổ tiên là vô cùng quan trọng. Chính từ nhu cầu tâm linh đó, nghề làm hương đã được hình thành và duy trì trở thành nghề thủ công truyền thống.
Làm hương tại Phja Thắp (Ảnh: Phạm Khoa).
Hương thủ công truyền thống Cao Bằng có mùi thơm dễ chịu, an toàn với sức khỏe người dùng vì được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên là các loại lá, vỏ cây, thân cây có sẵn ở địa phương. Để làm ra sản phẩm hương phải trải qua khá nhiều công đoạn như: Chẻ que, nghiền bột, tẩm bột tạo hình, nhuộm màu chân hương và phơi khô.
Phơi hương (Ảnh: Hoài Nam).
Nghề làm hương được biết đến nhiều nhất ở Cao Bằng là hai làng hương của người Nùng: Làng hương Phja Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa và làng hương thảo mộc Nà Kéo xóm Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Khi đến thăm hai làng nghề, du khách sẽ cảm nhận được mùi thơm dịu nhẹ của thảo mộc thoang thoảng trong gió giữa khung cảnh làng quê thanh bình, và được trải nghiệm các hoạt động hấp dẫn như: Xem quá trình sản xuất, tự tay làm những que hương hoàn chỉnh… để từ đó hiểu thêm về đời sống văn hóa của người dân nơi đây.
Nghề làm đường phên
Nấu đường phên thủ công (Ảnh: Phạm Khoa).
Nghề làm đường phên nổi tiếng tại huyện Quảng Hòa. Cuộc sống của đồng bào Tày, Nùng nơi đây gắn liền với cây mía và nghề làm đường phên truyền thống. Để làm ra một miếng đường phên phải trải qua rất nhiều công đoạn. Mía ngay từ khi còn trồng ngoài đồng đã được người dân cẩn thận chăm sóc để có được vị ngọt đậm đà và mọng nước. Đến khi thu hoạch, mía chặt về dóc lá, ép lấy nước và lọc cặn. Người dân dùng chảo gang lớn để đun nước mía trong khoảng 4 - 5 tiếng. Trong quá trình đun, ngọn lửa luôn được điều chỉnh phù hợp. Đun đến khi nước mía màu vàng dần chuyển thành mật với màu vàng nâu đẹp mắt, là lúc thích hợp cho việc nếm thử để đánh giá độ ngọt và hương vị của mật. Sau đó, chảo mật được bắc xuống và đảo đều tay cho nguội rồi đổ ra khuôn. Khoảng 2 giờ sau thì đường được cắt thành từng miếng và đóng gói cẩn thận.
Đường phên có chất lượng tốt phải rất đặc, thơm, có màu vàng đẹp. Loại đường nổi tiếng này được dùng trong các loại bánh đặc sản của Cao Bằng, như: Bánh khảo, khẩu sli, bánh gai... và dùng làm gia vị trong nhiều món ăn.
Muốn thưởng thức đường phên và tận mắt xem các công đoạn làm ra sản phẩm, du khách có thể đến địa phận huyện Phục Hòa cũ (nay là huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng); đặc biệt là đến xóm Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận - nơi được coi là cái nôi của nghề làm đường phên truyền thống.
Nghề đan lát
Ở Cao Bằng, đan lát là một nghề thủ công không gắn với địa danh cụ thể nào, mà được lưu giữ trong đời sống sinh hoạt của người dân. Những sản phẩm đan lát được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống đã giúp cho nghề không bị mai một. Các sản phẩm đan lát chủ yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân, thông dụng có thể kể đến như: Nôi trẻ em, rổ, rá, dậu, nong, nia, chiếu, lồng gà…
Sản phẩm đan lát tại chợ phiên (Ảnh: Hoài Nam).
Với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương cùng sự sáng tạo, khéo léo, người dân Cao Bằng đã tạo ra những sản phẩm đan lát đa dạng. Tre là nguyên liệu được sử dụng phổ biến, sau khi chặt về được chia khúc và chẻ nan. Tùy theo từng sản phẩm mà nan được chẻ theo kích thước khác nhau và từng nan tre sẽ được đan theo kĩ thuật riêng của người làm. Mỗi đồ vật có cách định hình và uốn nan cho phù hợp với chức năng sử dụng trong đời sống. Mặc dù là các vật dụng hằng ngày, nhưng sản phẩm đan lát của người dân vẫn đảm bảo tính thẩm mĩ và rất bền, chắc.
Khi đến các buổi chợ phiên, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những sản phẩm đan lát được bày bán phong phú cả về chủng loại và kích thước.
Trải qua thăng trầm của thời gian, đến nay nhiều nghề thủ công truyền thống ở Cao Bằng vẫn được người dân giữ gìn và phát triển. Việc bảo tồn nghề truyền thống không chỉ đem lại thu nhập cho người dân mà còn có ý nghĩa quan trọng trong công tác phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều làng nghề thủ công được duy trì sẽ là điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch Cao Bằng.Tác giả bài viết: Lương Hằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn