Các nghi lễ liên quan đến sản xuất nông nghiệp của người Dao

Thứ năm - 16/07/2020 21:15
Đối với người Dao, đời sống kinh tế gắn liền với sản xuất nông nghiệp nên họ có một số nghi lễ liên quan để cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

LỄ CÚNG THÓC GIỐNG

Lễ cúng này được tiến hành trước khi người Dao đem thóc giống ra tra nương hoặc cúng trong dịp Tết Thanh minh. Lễ cúng được tiến hành trong nhà. Người Dao lập một đàn cúng trước bàn thờ tổ tiên, đặt vào đó một bó thóc giống, lấy một tờ giấy bản vẽ hay cắt thành những hình khuyết, trên cùng là một hình tròn tượng trưng cho mặt trời, hình một người đứng thẳng, tay cầm nông cụ (dao, rìu hay cuốc) và một bó lúa, bên dưới là một cái bát, một đôi đũa, một con chó, một đàn gà, một con cá và một con rắn.

Tờ giấy này được kẹp chặt vào một que nứa và được cắm vào bó thóc giống đem ra để cúng. Trên đàn cúng, bên cạnh bó thóc giống còn có một bát nước, một bát gạo, xôi và một con gà luộc. Lễ cúng bắt đầu và thầy cúng sẽ khấn các bài khấn có nội dung tương tự rằng một hạt thóc gieo xuống sau này sẽ sinh thành trăm hạt… Cúng xong thầy lại đặt bó lúa với tờ giấy có hình vẽ ấy vào đống thóc giống như cũ, khi tra nương thì đem bó thóc ấy ra tra trước. Tra nương xong mới đốt tờ giấy.

Ở những nơi có bàn thờ chung của dòng họ hay của gia tộc thì lễ cúng này được người Dao tiến hành tại nhà trưởng họ. Nhiều nơi có lễ cúng thóc giống chung của cả xóm vào cuối tháng Tư đầu tháng Năm.

LỄ CÚNG NƯƠNG

Chọn được ngày tốt, đồng bào Dao bắt đầu tra nương. Ngày hôm đó chủ nương dậy sớm, đi nương sớm hơn mọi người và mang theo một con gà luộc, một nắm xôi, một chai rượu, ít giấy (tiền ma) để đốt. Đến giữa nương, người chủ nương chọn một chỗ tương đối bằng phẳng hay chọn chỗ có vách đất, dựng một lều cúng, trong lều kê một hòn đá phẳng để có thể đặt được những vật cúng, rồi lấy nứa làm độ 3 - 4 cái chén.

Chuẩn bị xong, chủ nương bắt đầu thắp hương và cúng. Trong lễ cúng nương, chủ yếu là cúng các vị thần ở nương, thần thổ địa, thần bảo vệ mùa màng, thần nông, thần chăm sóc lúa… Sau khi tra nương xong, chủ nương đem thóc giống còn thừa vãi xung quanh lều cúng. Sau này mỗi lần đi thăm nương nhớ đến thăm nom lều cúng, rót rượu, nước chè (hay nước lã cũng được) tỏ ý tôn kính và mong các thần luôn luôn phù hộ, bảo vệ mùa màng.

Ruộng bậc thang của người Dao Tiền xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình).

Vào tháng Sáu, sau khi làm xong cỏ đợt thứ nhất, đồng bào Dao còn làm một lễ cúng nương nữa. Lễ cúng nương này được tiến hành trong nhà. Họ lập đàn cúng và dùng những lễ vật như các lễ cúng bái khác, chủ yếu là cúng gia tiên, thần Nông, thần bảo vệ nương, cầu mong các thần phù hộ cho nương tốt, không cho sâu bọ cắn và thú rừng phá hoại…

LỄ CÚNG CƠM MỚI

Cúng cơm mới là lễ người Dao tổ chức nhằm tạ ơn tổ tiên phù hộ cho mùa màng tươi tốt, lúa, ngô có thể thu hoạch. Trước hết họ gặt một ít thóc đầu mùa mang về phơi khô, giã thành gạo và nấu cơm; nếu lúa chưa chín, họ lấy gạo cũ thổi cơm, ngắt mấy bông lúa bỏ vào nồi cơm để có hương vị lúa mới (coi đó là cơm mới). Sau đó đặt cơm mới và các thức ăn khác, như: thịt, cá, rượu, một bát canh đa vị gồm bí, đọt bí, mướp, rau cải, hành, dưa, cà chua… lên bàn thờ tổ tiên và cắm những bông lúa đã được hấp trong nồi cơm vào bát nhang hay trên những tấm liếp vây xung quanh bàn thờ.

Chủ gia đình đứng nghiêm trang trước bàn thờ khấn vái, cảm tạ công ơn của tổ tiên và cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ công việc làm ăn gặp nhiều may mắn. Cúng xong, toàn thể gia đình quây quần ăn uống với nhau, cuối bữa cơm mọi người cố ý để thừa trong bát một ít cơm, vài miếng rau và hôm ấy người ta không được rửa bát với ngụ ý là sau này cơm gạo thừa thãi.

LỄ CÚNG HỒN LÚA

Lễ cúng này thường được người Dao tổ chức vào tháng Giêng hoặc đầu tháng Chạp, sau khi gặt lúa xong, kết thúc một chu kỳ sản xuất. Hôm gặt lúa đầu tiên, chủ gia đình đến nương đem theo một ống nứa. Chủ gia đình niệm thần chú, rồi bắt đầu thu nhặt mỗi nơi vài bông lúa bỏ vào ống nứa (tức thu hồn lúa vào đó), lấy một hòn đá mỏng và phẳng đậy ống nứa lại cất vào lều cúng và tất cả mọi người bắt đầu gặt.

Gặt xong, họ lấy những bông lúa trong ống nứa buộc ghép vào bó thóc cuối cùng và bó thóc này được gánh về nhà sau cùng. Đem về đến nhà, bó thóc được đặt vào dưới bàn thờ tổ tiên để ngay tối hôm đó hoặc ngày hôm sau người ta sẽ làm lễ cúng hồn lúa. Mục đích cúng là mừng lúa đã về nhà.

Theo quan niệm của đồng bào Dao, mỗi bông lúa đều có hồn, trước lúc gặt chúng cùng sinh sống yên ấm trong một “cộng đồng” trên nương rẫy, nhưng trong lúc gặt không tránh khỏi một số bông lúa tức hồn lúa bị bỏ sót lại trên nương rẫy, hồn chúng bơ vơ không ai chăm sóc nên đồng bào thường làm lễ cúng để thu hết tất cả hồn lúa về nhà và như vậy trong những vụ sau lúa mới được tốt tươi.

Người Dao Tiền xã Hoa Thám (Nguyên Bình) gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có các nghi lễ sản xuất nông nghiệp.
Ngoài các lễ cúng trên còn một số lễ cúng có tính chất riêng của từng gia đình, lễ cúng chung với làng xóm còn gọi là các lễ “chìu tàn” (cầu thần, cầu mùa); lễ cúng thổ công bảo vệ mùa màng, bảo vệ xóm cho nông dân yên ổn làm ăn… Nhưng vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, một số nghi lễ truyền thống của cộng đồng người Dao đã bị mai một. 

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây