Độc đáo phong tục thu hoạch tổ ong khoái tự nhiên khổng lồ ở xóm Hoài Khao

Thứ ba - 17/08/2021 04:30
Vào tháng 7 Âm lịch hằng năm, người Dao Tiền xóm Hoài Khao tổ chức thu hoạch tổ ong khoái để chế biến thành sáp ong nguyên chất. Sáp ong là nguyên liệu độc đáo mà phụ nữ Dao Tiền dùng để in hoa văn lên trang phục truyền thống.
anh 1

Xóm Hoài Khao thuộc xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Xóm hiện có 34 hộ dân chủ yếu là người Dao Tiền. Nơi đây có loài ong khoái sống tự nhiên, làm tổ cheo leo trên những vách đá trong rừng, tổ của chúng ở độ cao khoảng 20m - 30m so với mặt đất. Xóm Hoài Khao có 2 khu mà ong khoái về làm tổ là Chán Vềnh và Tà Lạc, mỗi khu có khoảng 30 tổ.

 

Anh 2

“Phong tục thu hoạch tổ ong khoái của chúng tôi đã có từ rất lâu đời. Hồi tôi còn nhỏ đã thấy ông bà trong xóm khai thác sáp ong khoái. Hằng năm khi chọn được ngày đẹp, xóm họp để phân công thu hoạch và chế biến sáp ong. Để làm việc này, xóm được chia thành 3 tổ, gồm: tổ trực tiếp thu hoạch sáp ong trong rừng, tổ đi lấy củi và tổ ở lại xóm chế biến sáp ong”. Cô Lý Thị Vàng, người dân xóm Hoài Khao chia sẻ.

anh 3

Ở những địa phương khác, người dân thường khai thác mật ong, còn người dân xóm Hoài Khao không lấy mật mà chỉ lấy sáp ong. Chị Bàn Thị Liên - một người dân trong xóm cho biết: “Khu vực ong khoái làm tổ luôn được người dân bảo vệ. Khi ong đang làm tổ, có mật không ai được động đến, chỉ khi nào đàn ong tự bay đi, chúng tôi mới chọn ngày lành rồi tổ chức đi lấy sáp ong”. Ong khoái ở Hoài Khao được người dân bảo vệ, chúng sống tự nhiên trong rừng. Hằng năm vào mùa thu se lạnh, hết mật, ong khoái bay đi đến mùa xuân ấm áp, ong lại quay về làm tổ. Có lẽ vì người Dao Tiền xóm Hoài Khao từ bao đời nay đã chung sống hòa hợp, gần gũi với tự nhiên nên ong khoái bay đi rồi lại quay về làm tổ, cùng trường tồn với người Dao nơi đây như những người bạn thân tình.

Người dân Hoài Khao coi sáp ong khoái là sản vật quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng cho họ. “Từ xưa đến nay, chẳng biết từ bao giờ, năm nào, bà con trong xóm cũng đều góp gà, góp gạo làm lễ tiễn ong đi, cầu sang năm tới ong về làm tổ nhiều hơn”, chị Bàn Thị Liên cho biết thêm. Khi được hỏi vùng lân cận còn nơi nào có ong khoái như ở Hoài Khao không? Một người dân sinh sống ở xóm Hoài Khao cho biết: “Trước kia ở một xóm khác trong vùng cũng có ong khoái làm tổ, nhưng khi hết mùa mật, chúng bay đi và không quay lại nữa”.

anh 4

Có dịp đến với Hoài Khao đúng ngày bà con thu hoạch sáp ong, anh Đàm Khoa (du khách đến từ thành phố Cao Bằng) chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nơi tại Cao Bằng. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy có nhiều tổ ong khoái đến thế. Tổ ong rất to, có tổ đường kính lên tới 1,5m - 2m. Có lẽ Hoài Khao mới có những tổ ong khổng lồ như vậy. Đó cũng là điều đặc biệt riêng có ở đây. Người dân không khai thác mật mà khai thác sáp ong để làm nguyên liệu in hoa văn trên thổ cẩm. Tôi rất vui vì bà con dân bản vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc”.

anh 5

 

Anh 6,

Trong rừng, sáp ong khoái được phân loại ngay tại nơi thu hoạch, những phần sáp màu vàng buộc riêng, phần màu nâu để riêng.

Toàn bộ sáp ong thu hoạch về sẽ tập kết và chế biến tại nhà văn hóa của xóm. Để chế biến, sáp ong thô được đun với nước trong 2 chảo lớn (chảo trâu). Khi sôi, người dân lấy gáo múc sáp ong vào sọt đan bằng tre, ép sáp trong sọt xuống một chảo nước lạnh để lọc lấy sáp ong nguyên chất. Những mảng sáp vàng óng nổi trên mặt nước được vớt lên và bóp cho ra hết nước, nắm thành từng cục nhỏ rồi cho vào bao tải. Tiếp đó, sáp này được đổ vào chảo cô lại để cho ra sản phẩm sáp ong vàng tinh khiết. Khi hoàn thành, người dân cân sáp ong chia đều cho tất cả các gia đình trong xóm, mỗi gia đình được khoảng 1,5 đến 2kg dùng cho cả năm.

anh 7

Hoài Khao là xóm nằm trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan tươi đẹp, người dân thân thiện, mến khách. Ngoài thu hoạch sáp ong làm nguyên liệu in hoa văn trên vải thổ cẩm, người Dao Tiền nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc như: lễ cấp sắc, lễ mừng cơm mới,… sở hữu những bài thuốc thảo dược cổ truyền: Thuốc tắm cho trẻ sơ sinh, phụ nữ sau sinh, thuốc ngâm chân và những loại rau thu hái tự nhiên từ rừng núi... Một số hạng mục đầu tư xây dựng làng du lịch cộng đồng Hoài Khao đang được hoàn thiện. Với những giá trị văn hóa đặc sắc vốn có và phong cảnh hữu tình, con người thân thiện, Hoài Khao sẽ là điểm đến hấp dẫn của du lịch Cao Bằng.    
 

Một góc xóm Hoài Khao

Tác giả bài viết: Hoài Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây