Sắc màu bún khô Cao Bằng

Chủ nhật - 29/08/2021 17:53
Cao Bằng có một nền ẩm thực phong phú và đa dạng với nhiều món ngon nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước biết đến. Trên nền tảng thẩm mỹ phối màu ngũ sắc trong ẩm thực, những năm gần đây, nhân dân xóm 2 Hồng Quang, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng đã sản xuất được sản phẩm bún khô ngũ sắc - lạ mắt, độc đáo và vô cùng hấp dẫn.

Trong những ngày tháng 7, tháng 8, nắng vàng ươm, những sào bún sắc màu được bà con phơi dưới ánh nắng rực rỡ chào đón du khách đến tham quan...

Ảnh 1 1
Lạ mắt bún khô sắc màu xóm 2 Hồng Quang (Hưng Đạo - TP. Cao Bằng)

Bún là món ăn yêu thích của nhân dân Cao Bằng. Đặc biệt, trong bữa ăn dịp Rằm tháng Bảy (Âm lịch), nhà nào cũng có món bún. Từ đầu tháng 7 (Âm lịch) đến nay, khu vực xóm 2 Hồng Quang, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng rộn ràng bởi không khí lao động và những vị khách đến tham quan, mua hàng. Tại những cơ sở làm bún, du khách thích thú với hình ảnh hàng loạt sào phơi bún nhiều màu sắc: xanh, tím, vàng, đỏ cam... Dù rất bận rộn trong mùa cao điểm, nhưng người dân luôn niềm nở chào đón du khách gần xa.

Ảnh 2
Du khách nhí thích thú khi tham quan tại làng bún (Ảnh: Đỗ Thùy Dương)

Tham quan tại làng bún Hồng Quang đúng dịp Rằm tháng Bảy, chị Đỗ Thùy Dương (TP Cao Bằng) cho biết: Gia đình tôi rất chuộng bún khô được sản xuất tại địa phương vì bún dai ngon và không có vị chua như bún tươi. Sau khi luộc, mùi gạo vẫn rất thơm. Đến thăm xưởng bún, thấy nguyên liệu nhuộm màu đều từ các loại lá cây nên tôi rất an tâm. Sau khi chia sẻ những hình ảnh tại xưởng bún lên facebook, bạn bè của tôi rất thích thú vì màu sắc đẹp mắt của bún khô Cao Bằng. Những cơ sở sản xuất này rất gần trung tâm thành phố, có thể phát triển thành điểm tham quan và bán đặc sản cho du khách khi đến với Cao Bằng.

Lệ Nhi
Checkin với background bún phơi đẹp xịn xò (Ảnh: Lệ Nhi)

Để làm các loại bún khô ngũ sắc ngon quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu. Các cơ sở sản xuất bún khô ở đây chỉ dùng gạo bao thai lùn, gạo tam nông và nông sản sẵn có tại địa phương.

Là một trong những hộ sản xuất bún khô lâu năm, chị Lý Thị Thảo - chủ cơ sở sản xuất bún khô Liên Đồng (Hưng Đạo, TP. Cao Bằng) cho biết: Gia đình tôi sản xuất bún khô màu trắng đã được hơn 10 năm. Từ năm 2017, gia đình sản xuất thêm bún màu từ nguyên liệu gạo, ngô và các loại cây, quả địa phương như: cẩm tím, gấc, chùm ngây, khoai lang, đậu biếc, gạo lứt và bún trắng truyền thống theo đơn đặt hàng của khách trong tỉnh, khách ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền xuôi. Sản lượng trung bình từ 10 - 20 tấn/tháng. Riêng Rằm tháng Bảy (Âm lịch) xưởng sản xuất trên 20 tấn bún ngũ sắc các loại.

Ảnh 3
Các cơ sở sản xuất đã nghiên cứu ra rất nhiều màu mới cho bún

Sản xuất bún khô ngũ sắc về cơ bản giống bún trắng truyền thống, chỉ khác công đoạn nhuộm màu cho bột gạo. Với bún cẩm, bà con sử dụng lá cẩm tím đun lên và lọc lấy nước. Gạo ngâm qua đêm xát thành bột, trộn thêm nước lá cẩm rồi cho vào máy ép bún để ra sản phẩm bún cẩm. Bún được cắt thành từng bó dài khoảng 70 - 80 cm rồi phơi lên sào. Đem bún vào lò ủ qua đêm để bún tơi, khi gỡ bún không bị bết dính. Sáng hôm sau đem bún ra phơi. Nếu trời nắng to hay nhiều gió phải dùng bạt che lại để bún không bị giòn, vỡ vụn khi vận chuyển xa. Phơi bún cũng là công đoạn "đẹp mắt" nhất, du khách thường chọn thời điểm này đến tham quan và chụp ảnh. Bún được phơi khoảng 3 - 5 ngày sẽ khô và chuyển sang công đoạn đóng gói, phân phối sản phẩm. Đối với bún xanh màu đậu biếc, bún đỏ cam màu gấc, bún xanh non màu chùm ngây... được nhuộm màu và các công đoạn khác thực hiện tương tự bún cẩm tím.

Riêng bún ngô phải chọn ngô tẻ giống địa phương, hạt đều, chắc để khi làm bún vị mới thơm, màu vàng đẹp. Ngô sau khi phơi khô sẽ được đem đi xay nhỏ rồi ngâm qua đêm. Tiếp đó đem ngô xát mịn rồi trộn thêm bột gạo, pha với nước và cho vào máy ép bún. Các công đoạn sau theo quy trình như các loại bún màu khác.

Cách chế biến bún cũng rất đơn giản. Bún đem ngâm qua nước, đun nước sôi rồi thả bún vào khoảng 5 phút đến khi sợi bún mềm thì vớt ra cho ráo nước. Có thể đem bún nấu canh, bún chả, bún đậu, bún nem hoặc làm các món xào, món trộn, ăn bún cùng lẩu đều rất ngon.
 

Ảnh 4
Bún ngũ sắc có thể nấu theo nhiều cách như bún canh, bún trộn.

Vì bún được nhuộm bằng nguyên liệu tự nhiên cùng với bí quyết lâu năm của người dân địa phương nên đặc sản bún khô ngũ sắc khi nấu lên sợi vừa dai, lại vừa mềm, mang hương vị đặc trưng của lá cẩm, gạo lứt, hương thơm của gấc, của ngô... Sau khi đưa ra thị trường, bún khô ngũ sắc Cao Bằng đã tạo được sức hút riêng với nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước vì hương vị độc đáo, màu sắc bắt mắt. Du khách bắt đầu đến tham quan, chụp ảnh tại làng bún để lưu lại những bức ảnh độc đáo với background là những sào bún đủ sắc cầu vồng vô cùng ấn tượng.

Tác giả bài viết: Hồng Son

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây