Tết "Pây Tái" của dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng

Thứ sáu - 20/08/2021 16:18
Sau tết Nguyên đán, ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch là cái Tết lớn thứ 2 trong năm đối với bà con dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng. Tết Rằm tháng Bảy còn được gọi bằng cái tên khác là tết “Pây Tái” hoặc “Kin Chất” - ngày lễ báo đáp công ơn của con cái đối với cha mẹ, tổ tiên, những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình.
1
Bánh gai Rằm tháng Bảy

Ngay từ những ngày đầu tháng 7 Âm lịch, người người, nhà nhà lại tất bật chuẩn bị cho ngày lễ lớn thứ 2 trong năm. Bà Hoàng Thị Sứ, xóm Hạnh Phúc, xã Hoàng Tung, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng đã tất bật chuẩn bị cho tết rằm tháng Bảy từ nhiều ngày nay. Cũng như nhiều gia đình khác, bà cũng tự tay làm bánh gai, bánh dợm, bánh củ chuối - là những thức bánh đặc trưng của Rằm tháng Bảy ở Cao Bằng.

"Ngày Rằm tháng Bảy của dân tộc Tày, Nùng chúng tôi không thể thiếu được bánh gai, bánh dợm và món thịt vịt. Tôi đã chuẩn bị cho Rằm từ cách đây nửa tháng, riêng các nguyên liệu để làm bánh phải chuẩn bị sớm, lựa chọn loại lá, nhân, đường ngon nhất. Vịt thì nhà tôi mua từ ngày 12 Âm lịch. Rằm tháng Bảy là tết cổ truyền của người Tày, Nùng, dù cuộc sống có hiện đại bao nhiêu mình cũng phải lưu giữ Tết của mình", bà Sứ chia sẻ.
 

pây tái
Đồ lễ Pây Tái không thể thiếu con vịt béo

Trong dịp lễ này, những cô con gái đi lấy chồng từ 2 năm trở lên sẽ chuẩn bị cỗ gồm các loại bánh truyền thống, hoa quả, rượu và 1 con vịt béo đem về nhà ngoại. Đặc biệt, với những cô con gái mới đi lấy chồng năm đầu tiên, ngoài đồ lễ trên sẽ mang một đôi vịt về để làm lễ "Pây Tái" tại nhà bố mẹ đẻ của mình. Sau khi kết thúc ngày lễ, nhà bố mẹ sẽ hồi lại một con vịt. Với người Tày, Nùng ở Cao Bằng, mâm cỗ cúng ngày lễ "Pây Tái" không thể thiếu thịt vịt, các loại bánh gai, bánh dợm, măng khô, bún.

2
Chợ vịt ngày 13/7 âm lịch tấp nập người mua bán

Trải qua bao thế hệ, đến nay, người Tày, Nùng ở Cao Bằng vẫn duy trì phong tục “Pây Tái”. Đây là một nét đẹp văn hóa của người Tày, Nùng ở Cao Bằng nói riêng và dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung. Sự trở về gia đình chung và sửa soạn mâm cơm cúng tổ tiên vào ngày Rằm tháng Bảy không chỉ thể hiện lòng hiếu đạo, ghi nhớ ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục đối với cha mẹ của người phụ nữ mà còn phản ánh truyền thống “uống nước nhớ nguồn” nói chung của người Việt Nam. Mâm cơm sum họp trong ngày trở về chính là sự gắn kết tình thân ái gia đình của người Tày, Nùng, cao hơn nữa là tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, làng xã, đất nước.

Tháng Bảy âm lịch cũng là thời điểm bà con vừa thu hoạch xong vụ chiêm, cấy xong vụ mùa. Sau thời gian lao động vất vả, lúc nông nhàn thảnh thơi, bà con dân tộc Tày, Nùng lại cùng nhau chúc mừng một mùa bội thu. Mâm cỗ cúng rằm, thắp hương mời tổ tiên về chứng kiến, phù hộ còn mang ý nghĩa cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, cây cối sinh trưởng tốt tươi để mùa sau lại được no ấm.

Tác giả bài viết: Hạ San

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây