"Thiên đường rêu" trên đỉnh Phja Oắc

Thứ tư - 04/08/2021 14:47
Vùng núi Phja Oắc nằm ở vùng lõi của Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Nơi đây được biết đếnlà “nóc nhà” thứ 2 của Cao Bằng với đỉnh Phja Oắc cao 1.931 m. Trên đỉnh núi này còn ẩn chứa cả một“thiên đường rêu” đầy quyến rũ chờ đón du khách đến khám phá.
Ảnh 1

Cảnh đẹp như tranh vẽ của thiên đường rêu Phja Oắc

Phja Oắc có độ cao gần 2.000m so với mặt biển, với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp nguyên sơ, khí hậu quanh năm mát mẻ. Các vận động tạo núi sau này đã khiến vùng núi Phja Oắc nổi lên rất cao, trở thành một trong những nơi có địa hình cao nhất ở tỉnh Cao Bằng. Nét đặc biệt đó đã tạo nên những tiểu vùng khí hậu khác nhau từ chân lên đỉnh núi, khiến cho thảm thực vật theo đó cũng thay đổi vô cùng đa dạng và phong phú, rậm rạp và nhiều tầng lớp. Đặc biệt,nơi đây còn lưu giữ một số hệ sinh thái rừng nguyên sinh trên núi cao, tiêu biểu là hệ sinh thái "rừng rêu"; và gần 1.300 loài thực vật, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam…
Ảnh 2

Ấn tượng với những cây cổ thụ xù xì rêu phong

Vào ngày hè nhưng thời tiết ở vùng rừng núi Phja Oắc khá mát mẻ, nhiệt độ dao động từ 10-20 độ C. Lên đến từng độ cao, du khách được trải qua nhiều khung cảnh, lúc thì bao la hùng vĩ của trời xanh, nắng vàng, khi lại chìm vào màn sương mờ giăng khắp chốn. Từ độ cao 1.000m so với mực nước biển, những thân cây cổ thụ rêu phong xuất hiện dày đặc.

Hiện, đường đi lên đỉnh núi từ đường tỉnh 212 đã được bê tông hóa, độ dài khoảng 4,5km. Ngoài ra, còn khá nhiều lối mòn để lên đỉnh núi thích hợp với những du khách ưa khám phá thiên nhiên mạo hiểm. Dù chọn lối đi nào, bạn sẽ phải trầm trồ vì hai bên đường là màu xanh bao la của những vạt rừng già.

Ảnh 3

 Khám phá vương quốc rêu (ảnh: Hà Nghĩa)

Trên rừng Phja Oắc,du khách sẽ bắt gặp rất nhiều cành cây cổ thụ vắt ngang qua đầu, như một chiếc cầu với những đám rêu xanh thẫm vẫn bám đầy. Đặc biệt, vào mùa đông, khi nhiệt độ dưới 0 độ C, băng giá xuất hiện, màn sương mờ ảo càng khiến cho cả khu rừng rêu hiện ra thêm phần ma mị.Nhiều đoạn rêu phong bám kín những loài cây thân mềm xen lẫn loài dây leo chằng chịt vô cùng ấn tượng. Du khách như đang lạc vào thảm thực vật của kỷ nguyên sơ khai.

Ảnh 4

 Rêu trên cây cổ thụ (ảnh: Hà Nghĩa)

Xuyên qua hàng loạt cung đường núi, đường rừngtừ độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, du khách sẽ được ngắm nhìn những biển mây trôi lững lờ trên những đỉnh núi phía xa, hay những bóng mây bay nhanh trên bầu trời, cảm giác bồng bềnh thật khó tả.

Ảnh 5

Loài rêu đỏ đặc trưng của rừng Phja Oắc

Khám phá cảnh quan trên đỉnh núi, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những thảm rêu đỏ bám trên những bức tường, mái nhà... của Trạm phát sóng Phja Oắc. Và cả một cánh rừng bao la, huyền bívới loài rêu xanh, thảm thực vật bám sống đầy trên thân cây, cành lá…

Trên mặt đất cũng là những thảm rêu êm ái vẫn còn đọng các giọt nước nhỏ li ti. Loài rêu xanh, rồi thẫm ngả vàng, rồi cam đỏ ngự trị ở khắp mọi nơi. Những thân cây rêu bám kín đã biến thành chiếc kem bông khổng lồ. Rừng rêu ở đây là một dạng của chi thực vật biểu sinh. Những loài rêu, rêu tản và cả số ít dương xỉ, địa y, phong lan… ký sinh trên thân gỗ, trên đá. Ở Việt Nam chỉ có một số ít ngọn núi cao khí hậu quanh năm mát mẻ kiểu ôn đới như núi Tà Xùa (Yên Bái), Tả Liên (Lai Châu)… mới có khu rừng với thảm thực vật biểu sinh ấn tượng đến vậy.

Ảnh 6

 Những thảm rêu êm ái vẫn còn đọng các giọt nước nhỏ li ti

Đặc biệt, Phja Oắc hiện đang lưu giữ nhiều biệt thự, công trình do người Pháp xây dựng từ trăm năm trước, giờ đã trở thành những bảo tàng sinh thái phong rêu. Chúng được bảo tồn nguyên trạng, kể cả những hầm hào địa đạo đào Vonfram ngày trước.

Trong hành trình "thiên đường rêu" tại vùng núi Phja Oắc, du khách có thể đem theo lều trại hoặc nghỉ tại Khu du lịch sinh thái Kolia (cách Phja Oắc khoảng 10km)đểchinh phục biển mây có một không hai tại Cao Bằng lúc bình minh, hay hoàng hôn...

Ảnh 7

 Rêu phong diễm lệ ngày băng giá

Với những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đặc biệt là khu rừng rêu cổ tích, huyền bí, nơi đây không chỉ thu hút du khách địa phương mà còn là điểm hẹn của rất nhiều tay leo núi chuyên nghiệp.

Cảnh sắc đặc biệt của hệ sinh tháirừng rêu Phja Oắc không dễ tìm thấy ở nơi khác. Nơi đây đúng là một cõi núi rừng, một vùng tiểu khí hậu ôn đới của “ngàn năm tiên cảnh”.Do vậy, trongquá trình khai thác du lịch tại vùng núi này cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và sự chung tay của du khách để việc phát triển du lịch luôn đi đôi với việc bảo tồn bền vững.

Tác giả bài viết: Hồng Son

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây