Khám phá nghề truyền thống ở Cao Bằng

Thứ hai - 27/06/2022 09:03
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, các nghề truyền thống của Cao Bằng như: nghề làm hương, nghề rèn, nghề làm ngói, nghề nhuộm vải chàm, nghề đan lát, nghề làm giấy bản, nghề dệt thổ cẩm, nghề làm miến... vẫn được lưu giữ, bảo tồn và phát huy.

Nghề làm hương Phja Thắp

Bản Phja Thắp là làng hương truyền thống của đồng bào Nùng An thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Sản phẩm hương được làm hoàn toàn bằng những nguyên liệu tự nhiên gồm: lá cây mai, vỏ cây gạo, mùn cưa và lá cây bầu hắt làm chất keo dính kết các nguyên liệu lại với nhau.

IMG 3661
Công đoạn làm hương ở bản Phja Thắp

Đặc biệt, sản phẩm hương ở đây còn được rất nhiều người ưa chuộng và trở thành hàng hóa có mặt trên khắp các chợ phiên trên địa bàn tỉnh bởi hương thơm đặc trưng, dễ chịu và đảm bảo an toàn vì được làm từ những nguyên liệu tự nhiên.

IMG 3886
Thành phẩm hương Phja Thắp

Nghề rèn

Làng Pác Rằng thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa được mệnh danh là “xưởng rèn thủ công” lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Sản phẩm của làng nghề sắc bén và có độ bền cao không những được người dân địa phương ưa chuộng mà còn được rất nhiều người dân trên cả nước tin tưởng lựa chọn sử dụng. Các sản phẩm của làng nghề hiện nay chủ yếu là dao, kéo, công cụ sản xuất nông nghiệp,... phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con nhân dân.

IMG E9020
Công đoạn rèn dao - thể hiện sự khéo léo và đôi mắt tinh anh của người thợ

Hiện, sản phẩm dao Phúc Sen đã được công nhận sản phẩm OCOP 03 sao cấp tỉnh (Hợp tác xã Minh Tuấn - năm 2020; hộ kinh doanh Nông Văn Sơn - năm 2021).

IMG E9024
Du khách lựa chọn các sản phẩm dao Phúc Sen

Ngh làm ngói

Nghề làm ngói máng (hay còn gọi là ngói âm dương) ở xã Tự Do, huyện Quảng Hòa có lịch sử từ trăm năm. Ngói máng được tạo ra bởi đôi tay khéo léo của người đồng bào dân tộc Nùng. Các công đoạn làm ngói đều được làm thủ công rất tỉ mỉ từ chọn đất, ủ đất, nhào đất, lọc sạn, tạo hình, phơi, nung… để tạo ra sản phẩm mẫu mã bền đẹp. Ngói máng với đặc tính mát vào mùa hè, ấm về mùa đông.

IMG 3559
Trộn đất là công đoạn quan trọng để tạo những viên ngói đỏ đẹp, không cong vênh

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển sự ra đời của các dạng tấm lợp tiện dụng như: tôn lạnh, tấm lợp Poly, tấm lợp kính,… nhưng ngói máng vẫn giữ được vị trí đặc biệt trong những làng, bản mang đậm nét đặc trưng văn hóa bản địa.

IMG 3417
Những viên ngói thành phẩm bền đẹp mới ra lò

Ngh nhuộm vải chàm

Nghề nhuộm vải chàm của người Nùng An hiện vẫn còn được lưu giữ tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa. Không chỉ mang ý nghĩa tạo ra sản phẩm vật chất mà trong đó còn là niềm tự hào, tình yêu với quê hương của người dân bản địa.

IMG 0841
Công đoạn phơi vải của người phụ nữ Nùng An

Việc nhuộm vài chàm trải qua nhiều công đoạn, nấc bước phức tạp đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế người phụ nữ để tấm vải có màu xanh tím than đậm. Tấm vải đẹp còn thể hiện sự khéo léo, chịu thương, chịu khó và đó cũng là một trong những tiêu chí đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất của người phụ nữ.

IMG 3879
“Sắc áo chàm” từ lâu đã trở thành màu sắc đặc trưng trong trang phục của đồng bào dân tộc Tày, Nùng

Có thể nói, các nghề truyền thống ở Cao Bằng chủ yếu được truyền dạy từ khi còn nhỏ và theo hình thức ông bà, cha mẹ kể cho con cháu trong gia đình nghe. Từ đó, con cháu trong gia đình có ý thức về việc học tập, giữ gìn nghề truyền thống mà ông cha để lại, mong muốn phát huy truyền thống tự hào dân tộc và gắn nghề với các hoạt động du lịch để phát triển kinh tế gia đình bền vững.

Tác giả bài viết: Xuân Quỳnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây