Phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950

Thứ hai - 06/07/2020 11:25
Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt (QGĐB) tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; tập trung nguồn lực tôn tạo, chỉnh trang Khu di tích QGĐB địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950, đưa Khu di tích đi vào hoạt động chuyên nghiệp, khai thác hiệu quả, phục vụ nhu cầu tham quan, học tập của du khách.
Phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 bcb
Du khách tham quan Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh: H.T

Chiến dịch Biên giới 1950 là chiến dịch duy nhất trong lịch sử kháng chiến chống Pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ huy trận đánh, tạo tinh thần động viên, cổ vũ mạnh mẽ đến dân công và bộ đội tham gia chiến dịch. Thể hiện ý chí quyết tâm một lòng đánh đuổi quân xâm lược của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.Khu di tích QGĐB Địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 là nơi bảo tồn, phát huy giá trị di tích về Chiến dịch Biên giới 1950. Đây là chiến dịch có ý nghĩa động viên tinh thần chiến đấu của toàn quân, toàn dân; đánh dấu bước tiến nhảy vọt của quân đội ta về nghệ thuật chiến dịch, mở ra bước ngoặt về hình thái đấu tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy; làm phá sản kế hoạch quân sự, chính trị của thực dân Pháp.

Sau khi Ban Quản lý được thành lập, thực tế đặt ra yêu cầu cần có phương án quản lý khoa học do khối lượng công việc lớn, các khu di tích nằm dàn trải trên địa bàn rộng. Tại Ban Quản lý, nhân sự được luân chuyển, tăng cường giữa các khu di tích nhằm đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ. Khu di tích vừa tổ chức, thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo vừa phát huy giá trị di tích.

Thực hiện chương trình công tác trọng tâm năm 2020, Ban Quản lý chú trọng, khẩn trương chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Chiến dịch Biên giới (1950 - 2020), cụ thể: Tiến hành chỉnh trang khuôn viên, tổng vệ sinh, san đất đá tạo mặt bằng các di tích, cắt tỉa thảm cỏ, trồng bổ sung hoa, cây cảnh; xây bồn trồng hoa, cải tạo bậc lên xuống di tích hầm ngầm, mở rộng hiên và làm lối đi từ di tích trại lính Pháp đến di tích hầm ngầm; phát quang, đào hệ thống thoát nước, sửa chữa khu nhà làm việc;

Các trạm gác an ninh được bố trí trong Khu di tích đảm bảo an ninh trật tự; xây dựng kế hoạch chỉnh sửa nội dung trưng bày di tích cứ điểm đồn Đông Khê, di tích Đức Long; khảo sát, nghiên cứu, xây dựng nội dung thuyết minh, viết lý lịch bổ sung các điểm di tích trong toàn khu; nghiên cứu, sưu tầm tài liệu hiện vật; sửa chữa cắm lại hệ thống bia, biển hiệu di tích, phát quang các điểm di tích, phát hiện thêm 2 di tích hầm ngầm tại cứ điểm đồn Đông Khê…

Đồng hành cùng xã hội trong thời gian tạm dừng đón và phục vụ khách tham quan phòng, chống dịch Covid-19, Khu di tích tiếp tục tập trung chỉnh trang, tôn tạo, nghiên cứu khoa học nhằm đảm bảo công tác đón tiếp, nâng cao chất lượng phục vụ du khách sau thời gian cách ly. Đến nay, Khu di tích đang khoác lên mình diện mạo mới, công tác phát huy giá trị di tích hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Với giá trị lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Khu di tích QGĐB Địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 là điểm tham quan hấp dẫn, thu hút đặc biệt đối với khách quốc tế. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượng khách du lịch quốc tế tính đến tháng 5/2020 ước đạt 500 lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 42.500 lượt. Trong đó, tại Khu di tích QGĐB Địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950, khách quốc tế 382 lượt, chiếm 76,4% lượng khách cả tỉnh; khách nội địa 3.514 lượt, chiếm 8,2% lượng khách cả tỉnh.

Tuy nhiên, kết quả phát triển du lịch tại Khu di tích chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; cơ sở hạ tầng phục vụ khách tham quan trong nước, quốc tế chưa đảm bảo, tại Di tích cứ điểm đồn Đông Khê chưa có bãi đỗ xe, hệ thống dịch vụ không đủ mạnh để kích cầu du lịch, nguồn vốn đầu tư tôn tạo hạn chế... đã hạn chế sự bứt phá mà Khu di tích sẽ đạt được sau khi sáp nhập Ban Quản lý.

Tại địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể làm du lịch tạo tiền đề phát triển bền vững ngay từ bước đầu. Trong đó chính quyền, cộng đồng địa phương là những chủ thể chính gắn với phát huy tiềm lực của các nhà cung ứng du lịch. Ngoài việc đầu tư, tôn tạo di tích cần có sự đầu tư cho cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, tham quan, trải nghiệm để thu hút, giữ chân du khách quốc tế...

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây