Tục “pây tái” Mùng 2 Tết của người Tày, Nùng

Thứ năm - 03/02/2022 11:26
Với đồng bào người Tày, Nùng - những ngày Tết Nguyên đán là dịp con cái thực hiện lễ, nghĩa với cha mẹ, tổ tiên. Một năm, người Tày, Nùng có ngày thực hiện tục “pây tái” vào ngày mùng 2 Tết và ngày Tết rằm tháng Bảy.
pay tai1
Con gà, chai rượu, bánh kẹo… luôn là những lễ vật không thể thiếu trong ngày “pây tái”.

“Mùng một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”, câu này không chỉ đúng với người Việt Nam ta mà đối với người Tày, Nùng Cao Bằng, ngày mùng Hai Tết còn ngày thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn đối với người sinh thành ra mình.

Mùng 2 Tết, mọi thành viên trong gia đình đều háo hức đi chúc Tết bên ngoại, tiếng địa phương gọi là “pây tái”, có nghĩa đến cảm ơn đối với người đã sinh thành, dạy dỗ vợ của mình được như ngày hôm nay.

Sang thăm ngoại, từ sáng sớm mọi người chuẩn bị gà, bánh chưng, bánh khảo, bỏng (khẩu sli)... để thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Nhà ngoại đón tiếp con rể chu đáo và làm cơm mời anh em trong dòng họ đến cùng tham dự, tạo không khí ấm cúng trong gia đình.

Khi con cháu về, bên ngoại sẽ mừng tuổi cho các cháu bằng những đồng tiền được gói trong tờ giấy đỏ, mang ý nghĩa ban phát tài, lộc cho con cháu... Đồ lễ đem sang ngoại để cúng tổ tiên trước khi về được chia phần, thể hiện tình cảm chân thành giữa hai bên thông gia.

Sau khi lập gia đình, hằng năm cứ vào mùng 2 Tết anh Trần Thanh Dũng, phường Hợp Giang (Thành phố) cùng vợ, con “Pây Tái” bên mẹ vợ tại thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh. Anh Dũng cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ mùng 2 Tết tôi đưa gia đình về ngoại chúc tết, qua đó thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên bên ngoại. Món quà mang về thăm bố mẹ bên ngoại không thể thiếu là một đến hai con gà, một chai rượu nhỏ và đôi ba cặp bánh khảo.

Trải qua bao thế hệ, đến nay, người Tày, Nùng ở Cao Bằng vẫn duy trì phong tục “Pây Tái”. Đây là một nét đẹp văn hóa của người Tày, Nùng ở Cao Bằng nói riêng và dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung. Sự trở về gia đình chung và sửa soạn mâm cơm cúng tổ tiên vào ngày Tết không chỉ thể hiện lòng hiếu đạo, ghi nhớ ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục đối với cha mẹ của người phụ nữ mà còn phản ánh truyền thống “uống nước nhớ nguồn” nói chung của người Việt Nam. 

pay tai 2
Trong ngày “pây tái” nhà bên ngoại có đầy đủ con cháu đến quây quần, sum vầy.

Qua thời gian, tục lệ “pây tái” vào ngày mùng 2 Tết của người Tày, Nùng Cao Bằng vẫn giữ nguyên được những nét truyền thống từ ngàn xưa. Dù cách làm, phong tục mỗi nơi, mỗi dân tộc khác nhau nhưng tấm lòng hiếu kính với cha mẹ, tổ tiên trong ngày Tết đều hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Nguồn tin: baocaobang.vn

 Từ khóa: du lich cao bang, van hoa, pay tai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây