Bảo Lạc là huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng, có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, gồm: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Kinh tạo nên bức tranh đậm đà bản sắc, kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú, độc đáo. Bảo Lạc cũng là vùng đất có nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh như: đồn Đồng Mu (xã Xuân Trường), Di tích lịch sử Trông Nhìa Hậu (xã Hồng An), chùa Vân An, miếu Quan Đế (thị trấn Bảo Lạc). Ngoài ra, huyện được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan, danh thắng đẹp như: núi Phja Dạ (xã Sơn Lập) cao 1.987m so với mặt nước biển - được coi là “nóc nhà” của Cao Bằng với cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, kỳ vĩ; dốc 15 tầng Khau Cốc Chà, hồ Thôm Lốm (xã Xuân Trường); hồ thủy điện xã Bảo Toàn. Cùng với đó là mạng lưới hang động lớn, nhỏ trong lòng các dãy núi Lũng Nà (xã Thượng Hà), Lũng Rì (xã Khánh Xuân)… Đây là những tiềm năng và lợi thế vô cùng thuận lợi để phát triển nhiều loại hình du lịch tại địa phương.
Nhiều câu lạc bộ hát dân ca ở huyện Bảo Lạc được thành lập để bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống và phát triển du lịch cộng đồng
Bảo Lạc còn là vùng đất đa dân tộc hội tụ nên bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo. Theo báo cáo kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Cao Bằng năm 2018, huyện có 101 di sản thuộc 7 loại hình. Trong đó: Dân tộc Tày có 19 di sản; dân tộc Nùng có 18 di sản; dân tộc Mông có 20 di sản; dân tộc Dao có 16 di sản; dân tộc Lô Lô có 13 di sản; dân tộc Sán Chỉ có 14 di sản và 01 di sản chung của các dân tộc trên địa bàn huyện - Chợ tình Phong Lưu. Đồng bào Lô Lô còn có hai nghề truyền thống độc đáo là nghề thêu, dệt thổ cẩm tại xóm Khuổi Khon (xã Kim Cúc) và nghề đan lát tại xóm Khau Trang (xã Hồng Trị) là tiền đề để phát triển du lịch làng nghề tại địa phương.
Xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc cách trung tâm huyện Bảo Lạc 16km, có 62 hộ với gần 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Lô Lô. Trước đây, 50% gia đình trong xóm thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, tuy nhiên, từ khi người dân bắt đầu làm du lịch, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm. Hiện nay, xóm chỉ còn 10/62 gia đình thuộc diện hộ nghèo (chiếm hơn 16%).
Là một trong những người đi đầu của xóm Khuổi Khon trong kinh doanh dịch vụ lưu trú cho khách du lịch, gia đình ông Chi Văn Hải có ngôi nhà sàn mang nhiều nét truyền thống của người Lô Lô. Nhà làm bằng gỗ và tre, rộng 5 gian, 4 mái. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, ông Hải đã sửa chữa, mua sắm nhiều vật dụng để phục vụ khách du lịch.
Trong thời gian cao điểm mùa du lịch, gia đình ông có nhiều khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, lưu trú. Với mức thu mỗi khách lưu trú 50-100 nghìn đồng/ngày đã giúp gia đình ông có thu nhập từ du lịch đạt khoảng 30 triệu đồng/năm, từ đó gia đình ông thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Ông Chi Văn Hải cho biết: “Du khách rất hào hứng khi nghỉ tại nhà sàn, trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt cùng với người dân như chế biến các món ăn truyền thống, chăm sóc gia súc, gia cầm, thêu, dệt thổ cẩm nên gia đình tôi mở dịch vụ lưu trú phục vụ du khách. Từ khi làm homestay, thu nhập của gia đình tôi ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Đèo Khau Cốc Chà (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc)
Bảo Lạc từ lâu được biết đến là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, ban cho nhiều cảnh quan vẫn còn hoang sơ. Khi đặt chân tới Bảo Lạc, điều ấn tượng nhất với du khách là hình ảnh những ngọn núi cao chọc trời như núi Phja Dạ (xã Sơn Lập) cao 1.987m so với mực nước biển; dốc 15 tầng Khau Cốc Chà, hồ Thôm Lốm (xã Xuân Trường) và mạng lưới các hang động lớn nhỏ...
Bên cạnh đó, huyện Bảo Lạc còn là vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc sắc, rực rỡ sắc màu của các dân tộc vùng cao với nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tồng, chợ tình phong lưu, ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô, ngày hội văn hóa dân tộc Mông... cùng các làn điệu dân ca, dân vũ, các nghề thủ công truyền thống vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn. Đây chính là tiền đề cho việc phát triển dịch vụ-du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc của huyện.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch, huyện Bảo Lạc đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thực hiện Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch) với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng.
Hiện nay, huyện Bảo Lạc đang thực hiện quy hoạch, xây dựng điểm ngắm cảnh đèo 15 tầng Khau Cốc Chà với tổng mức đầu tư 1,6 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thử nghiệm du lịch cảnh điểm hang động, dịch vụ, du lịch tại xóm Lũng Rì (xã Khánh Xuân); mô hình du lịch farmstay ở xóm Kha Rào (xã Khánh Xuân).
Nhằm gìn giữ, bảo tồn và khôi phục các phong tục, tập quán tốt đẹp, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, Huyện ủy, UBND huyện Bảo Lạc đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, nhất là ngành văn hóa thực hiện việc khôi phục, phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Đây được coi là hướng đi đúng, trúng của huyện Bảo Lạc, được người dân tin tưởng, ủng hộ bằng cả nhận thức và hành động. Qua đó, vừa phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, vừa góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các phong tục, tập quán lạc hậu...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết: “Xác định phát triển dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ chiến lược, thời gian qua, huyện đã đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, trong đó tập trung phát triển hạ tầng dịch vụ-du lịch trở thành cơ cấu kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện; xây dựng du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc”.
Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ - du lịch của huyện Bảo Lạc còn những khó khăn như nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng vào các điểm du lịch còn hạn hẹp; nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực còn ít và chưa qua đào tạo; chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách; chất lượng các dịch vụ-du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều kiện kinh tế - xã hội của huyện vẫn còn nhiều khó khăn dẫn tới vai trò của cộng đồng dân cư, của người dân chưa được phát huy...
“Để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, tài nguyên du lịch của địa phương, thời gian tới, huyện Bảo Lạc sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch, tổ chức tìm kiếm các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của huyện; thực hiện bảo tồn các nội dung văn hóa phi vật thể như mở lớp thêu, dệt thổ cẩm, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ...”, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Có thể khẳng định rằng, Bảo Lạc có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và khai thác nhiều loại hình dịch vụ - du lịch. Với chủ trương chung của ngành du lịch là kết hợp giữa phát triển dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, Bảo Lạc đang hướng đến đạt mục tiêu là điểm đến “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn - đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”.
Huyền Trang
Nguồn tin: Báo điện tử ĐCSVN - dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn