Từ tháng 9/2023, Ủy ban Điều phối tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Ủy ban Điều phối Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức vận hành thí điểm cho du khách hai bên qua lại tham quan Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), đây là một điểm đến hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua. Khi tham gia tour du lịch tại Khu cảnh quan, du khách sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp kỳ vĩ của Khu danh thắng thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Sau khi vận hành thí điểm, việc đi lại giữa hai nước để tham quan Khu cảnh quan trở nên dễ dàng, du khách chỉ cần sử dụng hộ chiếu hoặc giấy thông hành mà không cần xin visa. Du khách chưa có các loại giấy tờ trên, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân cho đơn vị lữ hành trước 1 ngày là có thể hoàn tất các thủ tục để tham quan kiệt tác thiên nhiên từ hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Đặc biệt từ tháng 4/2024, thời gian tham quan của các đoàn khách sang hai nước tăng từ 05 giờ lên 06 giờ.
Trải nghiệm điểm đến, tham gia tour du lịch tại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), du khách cảm nhận, 9 giờ sáng theo giờ Hà Nội (Việt Nam) mới đến giờ làm các thủ tục thông quan xuất - nhập cảnh tham quan Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), nhưng ngay từ sáng sớm, tại khu vực sân trước và các khu vực phụ cận của Trạm kiểm soát thác Bản Giốc (lối qua lại khu vực mốc 834/1), xã Đàm Thuỷ (Trùng Khánh) hàng trăm du khách đã xếp hàng chờ làm thủ tục. Các lực lượng chức năng cũng tăng cường lực lượng đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự tại khu vực này. Cầm trên tay cuốn sổ thông hành, vừa thực hiện xong thủ tục nhập cảnh, anh Lý Chấn Trung (Quảng Tây, Trung Quốc) vui vẻ cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi đến tham quan thác Bản Giốc (Cao Bằng), thủ tục nhập cảnh rất nhanh gọn, thái độ của đội ngũ cán bộ, người dân rất ôn hoà, lịch sự. Trước đây để đi sang phía Việt Nam, tôi phải chuẩn bị tài chính và thu xếp thời gian để có được chuyến đi tốt nhất, với những thay đổi này, hy vọng tôi sẽ có những trải nghiệm không thể quên tại thác Bản Giốc.
Trở về Việt Nam sau 6 tiếng tham quan, chị Nguyễn Lệ Thuỷ, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh hồ hởi cho biết: Sau khi tìm hiểu kỹ về tuor du lịch tham quan Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên từ Cao Bằng sang Trung Quốc, tôi thấy thủ tục xuất cảnh nhanh chóng, thuận lợi nên đã book tour du lịch cho cả gia đình. Bên Trung Quốc có nhiều chương trình biểu diễn, nhiều quầy bán đồ lưu niệm phù hợp nhu cầu du khách. Ẩm thực ngon, phong phú, du khách và những người Trung Quốc tổ chức hoạt động hát đối vui vẻ, náo nhiệt. Hiện giờ, khi Cao Bằng đã mở cửa tuyến du lịch kết nối với Trung Quốc, chắc chắn tôi và gia đình sẽ còn quay trở lại đây nhiều lần. Cảm nhận của chị Thuỷ cũng là cảm nhận chung của rất nhiều du khách khi tới tham quan Khu cảnh quan. Sự hài lòng của du khách chính là mục tiêu hàng đầu mà ngành du lịch tỉnh Cao Bằng đang hướng tới.
Sau hơn 09 tháng triển khai vận hành thí điểm, Khu cảnh quan 2 Bên đã thu hút 9.336 người, trong đó: du khách Việt Nam sang Trung Quốc là 4.510 người, du khách Trung Quốc vào Việt Nam là 4.826 người.
Hoạt động đưa đón khách du lịch qua lại Khu cảnh quan được đơn vị lữ hành hai nước phối hợp khá nhịp nhàng, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hai Bên và các thỏa thuận đã thống nhất. Để thu hút nhiều hơn nữa du khách đến với Khu cảnh quan, hai Bên tích cực hoàn thiện, phát triển sản phẩm du lịch như: bổ sung điểm tham quan, tổ chức các chương trình nghệ thuật giới thiệu đặc trưng văn hóa vùng biên giới hai nước; thống nhất tăng thời gian trải nghiệm của du khách. Hai Bên với tiềm năng có cặp cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) và các cặp cửa khẩu, lối mở song phương: Tà Lùng - Thuỷ Khẩu, Lý Vạn - Thạc Long, Sóc Giang - Bình Mãng; Nà Đoỏng - Nà Ráy; Pò Peo - Nhạc Vu; Đình Phong - Tân Hưng… là điều kiện tốt để khai thác, phát triển hiệu quả sản phẩm du lịch biên giới.
Những năm qua, Cao Bằng đã chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch tại các khu vực cửa khẩu ngày một hiện đại và đồng bộ hơn. Tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu tại khu vực biên giới, cửa khẩu; tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành xây dựng và khai thác các tuyến du lịch qua biên giới, nhờ đó, lượng khách du lịch làm thủ tục xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh tăng đáng kể. Song song với việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây tổ chức hoạt động quảng bá, khảo sát du lịch.
Để có được những bước phát triển về du lịch biên giới, công tác phối hợp quản lý lữ hành giữa Cao Bằng và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây được Lãnh đạo hai Bên quan tâm. Hằng năm, chính quyền hai Bên đã tổ chức các cuộc hội đàm trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch. Theo đó, thời gian qua, công tác phối hợp, tham gia xúc tiến du lịch giữa hai Bên được tăng cường, nổi bật là hai Bên tích cực thúc đẩy triển khai Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), xây dựng mô hình kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh; tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực du lịch, với những nội dung cụ thể như: tăng cường hợp tác quảng bá thị trường du lịch, triển khai hợp tác bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, tập trung xây dựng thêm các sản phẩm, tour, tuyến du lịch qua biên giới…
Ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: để thúc đẩy du lịch biên giới phát triển, thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, cũng như tăng cường các cuộc hội đàm, thống nhất và đưa ra các định hướng phát triển sản phẩm du lịch giữa Cao Bằng và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Từ đó, đẩy mạnh hợp tác phát triển, tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao…
Thúc đẩy du lịch biên giới phát triển là yêu cầu tất yếu và cần thiết, không chỉ góp phần bảo tổn, phát huy giá trị di sản khu vực biên giới giưa các quốc gia, tăng cường giao lưu, củng cố và giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dọc biên giới, tiến tới xây dựng đường biên hòa bình, hữu nghị và phát triển. Tuy nhiên, để phát triển du lịch biên giới cần có sự quan tâm, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành cũng như của toàn xã hội. Trong đó cần tập trung một số vấn đề cơ bản như: Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội; đầu tư cơ sở hạ tầng; tăng cường xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường hợp tác quốc tế về du lịch, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư… để du lịch biên giới thực sự trở thành thế mạnh của du lịch Cao Bằng.
Tác giả bài viết: Lương Thanh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn