Quảng bá văn hóa bản địa qua homestay

Thứ tư - 12/06/2024 09:26
Là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, Cao Bằng sở hữu kho tàng văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, được gìn giữ nguyên vẹn tại nhiều địa phương. Nhiều homestay trên địa bàn tỉnh tổ chức cho du khách trực tiếp trải nghiệm văn hóa bản địa, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về con người và vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Những ngày cuối tuần, trong hành trình khám phá mảnh đất Cao Bằng, chị Trần Ngọc Giang (Hà Nội) cùng với các bạn lựa chọn dừng chân nghỉ ngơi tại Lan’s Homestay, xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh). Lan’s Homestay có tổng diện tích trên 4.000 m², trong đó, ngôi nhà sàn truyền thống trên 200 m² được bao bọc bởi ruộng, vườn, mây, núi, đặc biệt có dòng sông Quây Sơn chảy qua. Tất cả tạo nên một bức tranh phong cảnh hữu tình, thơ mộng, mang đậm nét không gian văn hóa giàu bản sắc của dân tộc Tày, Nùng. Tại đây, chị Giang cùng với các bạn được đi dạo bộ hoặc thuê xe máy, xe đạp để tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, ngắm dòng sông Quây Sơn xanh biếc từ trên cao, tham quan các địa danh nổi tiếng như: thác Bản Giốc, thượng nguồn sông Quây Sơn, động Ngườm Ngao…

Người dân xóm Bản Gun - Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) biểu diễn văn nghệ để quảng bá nét đẹp văn hóa đến với du khách.

Người dân xóm Bản Gun - Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) biểu diễn văn nghệ để quảng bá nét đẹp văn hóa đến với du khách.

Chị Giang chia sẻ: Điều ấn tượng ở Lan’s Homestay từ kiến trúc đến đồ đạc đều toát lên dấu ấn đặc trưng, nét văn hóa xưa của người dân bản địa. Chúng tôi được đón tiếp trong không khí thân tình, nồng hậu, mến khách của bà con người Tày, được thưởng thức những món ăn mang bản sắc riêng của huyện Trùng Khánh, mặc thử những bộ quần áo truyền thống dân tộc. Khó quên nhất là được trải nghiệm đời sống thường nhật, tham gia lao động sản xuất cùng người dân bản địa từ gặt lúa, làm vườn, trồng rau, hái rau đến chế biến các món ăn truyền thống như: thịt gà, thịt lợn đen, xôi nếp nương, cá sông, rau rừng, bánh cuốn… Những buổi biểu diễn văn nghệ dân gian giúp chúng tôi hiểu thêm về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc.

Cách trung tâm thành phố Cao Bằng hơn 45 km, mất hơn 1 giờ di chuyển, Mế Farmstay nằm ở xóm Nà Mạ, xã Trường Hà (Hà Quảng). Xây dựng từ năm 2018 và bắt đầu mở cửa đón khách từ năm 2022, Mế Farmstay nổi bật với thiết kế truyền thống gồm các khu nhà chính và các gian nhà nhỏ như: khu nhà sàn đón tiếp khách, khu bếp, khu giải trí… Xung quanh farmstay có khu vực trồng nông sản, khuôn viên phía trước có hai hồ nước lớn. Đến nghỉ dưỡng tại farm, du khách được tận hưởng những khoảnh khắc bình yên, cảm nhận từng phút giây cuộc sống trôi qua thật êm đềm, dễ chịu. Ngoài việc ngắm cảnh đẹp sân vườn, ao cá, tìm hiểu về các hoạt động nông nghiệp nơi đây, du khách được tự tay thu hái rau, thu hoạch củ hoặc nấu các món ăn ngon của địa phương cùng chủ farm.  

Điểm du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao, xã Quang Thành nằm trong quần thể Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén (Nguyên Bình), những trải nghiệm văn hóa bản địa đã trở thành linh hồn níu chân du khách. Du khách được trải nghiệm không gian văn hóa dân tộc với những ngôi nhà làm bằng gỗ nép mình bên sườn núi, mái lợp bằng ngói âm dương truyền thống; trải nghiệm nét văn hóa in hoa văn bằng sáp ong trên vải để làm ra những bộ trang phục cầu kỳ, lộng lẫy của người phụ nữ Dao Tiền; các phong tục, tập quán mang đậm bản sắc như: lễ cấp sắc, mừng lúa mới… được bà con lưu giữ, bảo tồn và phát huy. 

Từ năm 2009, du lịch cộng đồng được hình thành và phát triển tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo ra cơ hội việc làm cho người dân, tăng nguồn thu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh triển khai thực hiện chương trình, dự án phát triển du lịch cộng đồng từ các nguồn vốn tạo sinh kế cho người dân. Một số điểm du lịch cộng đồng đã và đang được đưa vào khai thác hiệu quả, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm như: làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình), xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc), Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Quảng Hòa)… Để thu hút khách, các homestay chú trọng tổ chức, làm phong phú, đa dạng thêm các dịch vụ, các trò chơi đi cấy, đi gặt, hái rau, bắt cá, tôm, nấu ăn, ngâm chân thảo dược, nhảy sạp, đốt lửa trại, biểu diễn, giao lưu văn nghệ dân tộc, hiking (đi bộ theo một lộ trình có sẵn để ngắm cảnh) chinh phục những ngọn núi cao, thưởng ngoạn, khám phá cảnh đẹp bằng xe máy, xe đạp; tập hợp các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của người dân bản địa để giới thiệu với du khách những giá trị văn hóa truyền thống.

Là loại hình “du lịch xanh”, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ du lịch homestay góp phần tạo ra hướng mở về khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng. Giúp người dân địa phương nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần đưa du lịch tỉnh phát triển bền vững.  

Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây