Từ năm 2020, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tham mưu UBND tỉnh xây dựng Dự án mở rộng tuyến thứ 4 CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trình Hội đồng CVĐC Toàn cầu UNESCO, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Theo đồng chí Trương Thế Vinh, Giám đốc Bản Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng, tuyến thứ 4 bao gồm địa giới hành chính của toàn bộ thành phố Cao Bằng, Thạch An, Quảng Hòa. Đây là các địa phương có nhiều di sản diện mạo địa chất, văn hóa, lịch sử đặc sắc từ cổ xưa đến hiện đại đan xen tạo nên sức hấp dẫn riêng cho du lịch Cao Bằng.
Chuyên gia Hội đồng CVĐC Toàn cầu UNESCO, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã khảo sát, đánh giá hơn 40 điểm di sản tiềm năng và lựa chọn 15 điểm di sản diện mạo địa chất, văn hóa, lịch sử để xây dựng tuyến thứ 4 trong CVĐC Non nước Cao Bằng. Riêng Thành phố có 4 điểm, gồm: Trung tâm thông tin CVĐC; Nhà tưởng niệm Hoàng Đình Giong (phường Đề Thám); Mỏ sắt Chu Trinh (xã Chu Trinh); Hồ hóa thạch thân mềm và than nâu trong trầm tích Neogen (tổ 11, phường Sông Hiến).
Các điểm di sản diện mạo địa chất có giá trị tầm cỡ quốc tế minh chứng tầng địa chất cổ xưa nhất của vỏ trái đất được phát hiện là đá gabrodiabas phức hệ Cao Bằng tại Mỏ sắt Chu Trinh (xã Chu Trinh) đã lộ tại taluy trên đường vào mỏ, ở độ cao 2 - 4 m. Hồ hóa thạch thân mềm và than nâu trong trầm tích Neogen (tổ 11, phường Sông Hiến) nằm ở phần dưới và trên lớp sét than màu đen, trên cùng có nhiều di tích hóa thạch thực vật hóa than và Pelecypoda nước ngọt dạng trai, vẹm, trùng trục, họ Unionidae, lớp Bivalvia, ngành thân mềm.
Huyện Thạch An có 8 di sản gồm: núi lửa dưới đại dương cổ, đèo Khau Khoang (xã Thái Cường); rừng cây di sản Vân Trình (xã Vân Trình); thung lũng karst - cơ sở sản xuất thạch đen truyền thống Lê Lai (xã Lê Lai); Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Vân An (xã Lê Lai); Trung tâm thông tin CVĐC Đông Khê; Di tích đồn Đông Khê (thị trấn Đông Khê); đỉnh núi Báo Đông (xã Đức Long); Đại dương cổ - Điểm hóa thạch lỗ tầng (xã Thụy Hùng).
Về di sản địa chất, huyện có nhiều di sản giá trị địa chất cổ trong quá trình hình thành vỏ trái đất hàng triệu năm về trước. Núi lửa dưới đại dương cổ, đèo Khau Khoang (xã Thái Cường) trên vách taluy đường lộ đá vôi phân lớp vừa tới dày, màu xám tro, xám nhạt, nứt nẻ mạnh chứa nhiều ổ, gân mạch calcit trắng. Các điểm lộ cao 4 - 5 m, dài trên 10 m, có chứa nhiều di tích hóa thạch Huệ biển trên mặt bào mòn đá. Các thân Huệ biển từ 1 - 3 mm bị calcit hóa, tái kết tinh mạnh nhưng vẫn rõ cấu trúc sinh vật. Đại dương cổ - Điểm hóa thạch lỗ tầng (xã Thụy Hùng) nằm hai bên taluy đường vách cao 2 - 5 m, dài trên 20 m là đá vôi sinh vật, màu xám tro, phân lớp dày, nứt nẻ, tái kết tinh thuộc hệ tầng Bản Páp. Rừng cây di sản Vân Trình tại xóm Bó Dường (Vân Trình) tiếp giáp xã Lê Lai nằm ngay trên Quốc lộ 4A. Đây là rừng nguyên sinh, diện tích 9,03 ha có nhiều cây cổ thụ quý khoảng 200 năm tuổi.
Huyện Quảng Hòa có làng sản xuất mía đường truyền thống, thuộc thị trấn Hòa Thuận; chùa Phật tích trúc Lâm Tà Lùng, thị trấn Tà Lùng; Điểm hữu nghị Việt - Trung, Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng. Đây là chuỗi di sản văn hóa làng nghề truyền thống gắn với cung đường Quốc lộ 3 có điểm cuối là Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng với cảnh quan núi rừng trùng điệp chạy bên dòng sông Bắc Vọng.
Ngoài những điểm trên tuyến chính, tuyến thứ 4 còn mở rộng thêm một số điểm di sản mới như: Khối đá kỳ lân Cao Thăng thuộc xã Cao Thăng, (Trùng Khánh) thuộc loại độc đáo, đặc sắc nhất CVĐC; thác và cảnh quan karst già và tàn dư ở thượng nguồn sông Quây Sơn thuộc Thủy điện Thoong Cót 1 và 2 (Trùng Khánh): mó nước thần (Quảng Hòa); làng nghề làm giấy dó Dìa Trên (xã Phúc Sen, Quảng Hòa)... và một số đối tác tiềm năng của CVĐC như Resort Quây Sơn - Bản Giốc, Lan homestay..., nâng tổng diện tích mới mở của CVĐV Non nước Cao Bằng lên 3.683 km2.
Theo chuyên gia tư vấn quốc tế Guy Martini, Hội đồng CVĐC Toàn cầu UNESCO, tuyến thứ 4 CVĐC Non nước Cao Bằng có nhiều giá trị di sản địa chất tầm cỡ quốc tế gắn liền với giá trị di sản lịch sử, văn hóa bản địa tạo thành tuyến tham quan, trải nghiệm du lịch rất hấp dẫn. Bên cạnh di sản địa chất có cảnh quan đẹp bởi địa hình là những làng nghề, bản làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống sản xuất thạch đen, lạp sườn, chanh leo, vườn lê, bí thơm... mang giá trị nhân văn, đa dạng sinh học. Sự đan xen sẽ đem đến cho du khách một cảm giác bình yên sau trải nghiệm di sản địa chất trên địa hình chia cắt mạnh bởi những va chạm mạnh vỏ trái đất, khám phá ra điều kỳ diệu về con người. Những di sản trên đã minh chứng non nước Cao Bằng cách đây hàng triệu năm đã định hình, phát triển trên bồn trũng và là một sản phẩm hệ quả điển hình của hoạt động đứt gãy sâu Cao Bằng - Tiên Yên.
Việc mở rộng tuyến thứ 4 đã bổ sung thêm nhiều di sản về địa mạo địa chất và di sản văn hóa, lịch sử trong vùng CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn