Nghệ thuật đan lát của người Tày, Nùng ở Minh Khai

Chủ nhật - 13/03/2022 15:06
Xã Minh Khai (Thạch An) với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, xóm, làng được bao bọc bởi những ngọn núi hùng vĩ, những cánh rừng xanh và dòng suối trong vắt ngày đêm chảy róc rách. Cũng vì thế, người Tày, Nùng nơi đây luôn chất phác, mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên, họ lấy những nguyên liệu sẵn có trong vùng phục vụ nhu cầu của đời sống. Trong đó, nghề đan lát truyền thống được gìn giữ, bảo tồn, phát huy từ đời này qua đời sau rồi đúc kết và hình thành nên một nghệ thuật đan lát tài tình với nhiều nghệ nhân tài hoa và các sản phẩm tinh xảo mang đặc trưng riêng.
51
Nghệ nhân đan lát xã Minh Khai (Thạch An) với sản phẩm chiếu cót và các vật dụng truyền thống.

Từ xa xưa, với người Tày, Nùng ở xã Minh Khai ai cũng biết đan lát với nguyên liệu là cây tre, nứa, giang. Các cụ già đan những vật dụng có kỹ thuật phức tạp  như chiếu cót, giỏ đựng đồ... Người trẻ thì đan những đồ dùng đơn giản như: nong, nia, rổ, rá… dần sẽ tiếp cận được các kỹ thuật phức tạp hơn. Cứ như vậy, nghệ thuật đan lát của người Tày, Nùng ngày càng tăng tỷ lệ thuận với tuổi đời của mỗi con người nơi đây. Đặc biệt, năm 2021, xã Minh Khai là địa phương duy nhất của tỉnh có 4 nghệ nhân được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề truyền thống đan lát, gồm: Trần Thị Huyền, xóm Nà Kẻ; Nông Thị Luyên, xóm Nặm Tàn; Nông Thị Nhi và Đinh Thị Kim, xóm Nà Đoỏng.

Người dân nơi đây tạo ra rất nhiều sản phẩm từ đan lát, tất cả những sản phẩm này đều sử dụng cây nứa, giang, mây. Trước kia, đan chủ yếu bằng cây nứa, giang; ngày nay cây tre được đem vào sử dụng để tạo ra các sản phẩm đan lát. Kỹ thuật chẻ nan đảm bảo độ dày, mỏng thật đều, thật phẳng sau đan mới đẹp, phải biết chọn từng cái cật, dẻo cùng dẻo, cứng cùng cứng. Nguyên liệu phải bảo quản cẩn thận ở chỗ cao ráo, tránh mục mọt. Để tạo màu sắc, hoa văn cho sản phẩm đan, người dân có thể giữ nguyên màu vỏ xanh đậm của nan cật để phối hợp với nan thường trong quá trình đan; có thể nhuộm nan bằng màu hoặc có thể để nan lên gác bếp, hun khói trong khoảng thời gian khác nhau cũng tạo ra những bó nan có màu vàng, đậm nhạt khác nhau.

Theo Nghệ nhân Nông Thị Nhi, 87 tuổi, xóm Nà Đoỏng, hơn 70 năm làm nghề đan lát chia sẻ: Tùy thuộc vào mỗi loại sản phẩm và hoa văn khác nhau sẽ sử dụng các kỹ thuật đan lát khác nhau. Trong đó, có một số kỹ thuật như: kỹ thuật xâu xiên; kỹ thuật đan lóng vuông, đan lóng thuyền hay đan lóng mốt, đan lóng đôi, đan lóng ba, đan mắt cáo, đan hoa thị… Kỹ thuật xâu xiên sẽ đặt ba chiếc nan chồng và chéo lên nhau ở chính giữa các nan, tạo thành sau góc đều nhau. Sau đó, đan tiếp theo cách cạnh sao cho nan đan sau song song với nan đan trước theo ba chiều cắt nhau, tạo thành các lóng hình lục giác đều. Đây là một kỹ thuật phức tạp và khó đan, rất ít người làm được. Nan để đan thường vót mỏng, to bản, đảm bảo độ dẻo và cứng vừa phải. Kiểu đan này thường dùng để tạo các sản phẩm như mâm mây, đáy hay nắp đậy các loại gùi.

Kỹ thuật đan nan lóng vuông là kiểu đan lóng hình vuông có tâm điểm ở giữa của đáy sản phẩm. Kỹ thuật này được áp dụng để đan mẹt, nong, nia, sàng,...

52
Sản phẩm nón từ cây giang với kỹ thuật đan mắt cáo.

Qua những bàn tay khéo léo và kỹ thuật điêu luyện, các sản phẩm đan lát ở Minh Khai được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Trong đó, chiếu cót Minh Khai là sản phẩm được nhiều khách hàng ưu chuộng nhất.Kỹ thuật đan lóng thuyền hay lóng nia là kiểu đan theo nguyên tắc cắt hai nan đè năm nan được áp dụng để tạo ra các tấm phơi, tấm liếp hoặc tạo nên các hoa văn hình quả trám trên thân các loại gùi nhỏ. Kỹ thuật đan lóng đôi được áp dụng để đan các sản phẩm yêu cầu mỏng và mềm như: tấm phơi, tấm liếp, tấm trải, gùi hoặc tạo các hoa văn hình xương cá chạy quanh các loại gùi. Kỹ thuật đan lóng ba phổ biến và bắt buộc để đan phần tiếp giáp giữa thân và đáy gùi, đặc biệt là gùi nhỏ, đồng thời cũng là kỹ thuật tạo các hoa văn xương cá nằm ngang. Các bộ phận nhỏ của các sản phẩm đan lát như: quai, tai, cạp, dây đeo... đòi hỏi dai và mềm đều được đan bằng mây hoặc giang.

Nghệ nhân Trần Thị Huyền, xóm Nà Kẻ cho biết: Nguyên liệu chính làm chiếu cót là thân cây giang. Những khúc giang được chẻ thành nan mỏng, phơi cho ngả màu đẹp. Khi đan, nan phải dấp nước rồi mới đan thành chiếu cót. Muốn có một chiếc chiếu đẹp còn phải tuỳ thuộc nhiều yếu tố như: kỹ thuật đan, căn chỉnh chiều dài, rộng của chiếu vuông vắn; tạo hoa văn đẹp mắt (hình bàn cờ, ô ngựa, hoa cà chua...). Chiếu cót càng dùng lâu càng bóng đẹp, có thể sử dụng hơn 20 năm, nếu bảo quản tốt có thể dùng 40 - 50 năm.

Hiện nay, các nghệ nhân đan lát ở Minh Khai không chỉ làm những sản phẩm để phục vụ cuộc sống sinh hoạt (nong, nia, rổ, rá…) mà còn nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo nên nhiều sản phẩm trở thành thủ công mỹ nghệ tạo sức hút lớn với nhiều khách hàng, như: Bàn cờ, giỏ đựng trang sức, túi xách…

Với kỹ thuật đan lát vượt trội, các sản phẩm đan lát ở Minh Khai luôn được đánh giá cao và khách hàng ưa chuộng tìm mua. Nhưng để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, đồng thời tạo nên thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần định hướng, hướng dẫn địa phương lập đề án, tổ chức lại sản xuất cho người dân để chủ động nguyên liệu và tăng năng suất, tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây