Bảo tồn, phát huy tri thức bản địa dân tộc Tày, Nùng trong phát triển kinh tế - xã hội

Chủ nhật - 13/03/2022 14:57
Cao Bằng là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, có không gian văn hóa vùng, miền với nhiều dân tộc cùng sinh sống và nguồn lực, vốn tri thức bản địa của nhân dân các dân tộc thiểu số. Khả năng đóng góp của tri thức bản địa không chỉ ở sự phát triển bền vững của cộng đồng mà còn thể hiện ở việc phát huy, tận dụng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng hiện nay.
2
Du khách trải nghiệm văn hóa hát Then - đàn tính tại xã Đàm Thủy (Trùng Khánh). Ảnh: Hồng Xiêm

Tri thức bản địa là hệ thống kiến thức mà người dân ở một cộng đồng tích lũy và phát triển dựa trên kinh nghiệm để thích nghi với môi trường tự nhiên, văn khóa, xã hội. Nói cách khác, tri thức bản địa là nguồn lực, vốn sống, kinh nghiệm ứng xử được thể hiện trong các phong tục, tập quán, thói quen, phương thức canh tác, lao động, sản xuất và cả những niềm tin của con người với thế giới tự nhiên và môi trường sống của mình. Trên phương diện văn hóa, tri thức bản địa chính là căn cứ để nhận dạng, định dạng vốn tri thức của một cộng đồng dân tộc trong phạm vi một vùng hay khu vực.

Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, có tiềm năng phát triển du lịch với hệ thống các di tích lịch sử phong phú, trong đó, có 96 di tích được xếp hạng, đặc biệt, di sản Nghi lễ then Tày, Nùng, Thái được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Công viên địa chất non nước Cao Bằng được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO. Đây là những điều kiện thuận lợi để Cao Bằng bảo tồn, phát huy tri thức bản địa của dân tộc, mở rộng hợp tác, giao lưu, tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng nói riêng.

Cư dân Tày, Nùng ở Cao Bằng đã sáng tạo nên những di sản văn hóa truyền thống độc đáo chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, giá trị văn hóa trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống xã hội như sản xuất lương thực, thực phẩm, chăn nuôi; cất trữ và chế biến thức ăn; thu hái, sử dụng cây thuốc và cách chữa bệnh; truyền thụ kiến thức qua các thế hệ trong giáo dục; bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tổ chức quản lý cộng đồng, giá trị xã hội, các luật lệ truyền thống trong làng bản… Bản sắc văn hóa còn được thể hiện sinh động qua các loại hình văn hóa, trang phục, lễ hội, trò chơi dân gian, nghề thủ công, ẩm thực, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư… Mỗi loại hình văn hóa ở mỗi dân tộc lại có một cách biểu đạt riêng, màu sắc riêng.

Chính sự độc đáo và đa dạng trong văn hóa tạo nên sức hấp dẫn du khách đến khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng, là nguồn tài nguyên vô giá phục vụ cho ngành du lịch phát triển. Nhờ đó, hoạt động du lịch, nhất là du lịch cộng đồng ở một số làng, bản có nhiều đồng bào người dân tộc sinh sống bước đầu đem lại kết quả tích cực, góp phần giảm nghèo, tạo thêm nguồn thu nhập cho đồng bào như các sản phẩm: Kiến trúc là nhà sàn miền núi, ẩm thực dân tộc và văn hóa truyền thống Tày, Nùng.    

Tri thức bản địa là nền tảng cơ bản cho việc thiết lập các quyết định liên quan đến địa phương trên mọi lĩnh vực của cuộc sống đương đại, bao gồm quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dinh dưỡng, thực phẩm, y tế, giáo dục và trong các hoạt động xã hội; cung cấp chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra cho cộng đồng dân cư địa phương. Tuy nhiên, không phải tri thức bản địa nào cũng phát huy hiệu quả trong bối cảnh mới. Do vậy, không thể chỉ lựa chọn và áp dụng tri thức khoa học, cũng không thể chỉ dựa vào tri thức bản địa, vấn đề đặt ra là phải kết hợp hai nguồn tri thức ấy vì mục tiêu phát triển bền vững.

Khi triển khai các dự án, phải nghiên cứu để lồng ghép và chuyển tải những kinh nghiệm trong bảo vệ đất, tính lịch sản xuất, trong xen canh, luân canh…; những tri thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên vào việc trồng, bảo vệ rừng, xây dựng mô hình VAC (vườn ao chuồng), VACR (vườn, ao, chuồng, rừng); xây dựng các mô hình vườn nhà, vườn rừng. Từ đó góp phần vào việc thay đổi nhận thức và thế ứng xử trong không gian sinh tồn của người dân, chuyển từ tập quán khai thác thiên nhiên một chiều sang tập quán đầu tư và tái tạo thiên nhiên.

Bên cạnh đó, những tri thức trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng; trong điều hành, quản lý con người, quản lý làng bản, xã hội với việc đề cao vai trò của người già, của tính cộng đồng, tính nhân văn của những quan hệ bền chặt trong gia đình, dòng họ là những kinh nghiệm quý trong việc xây dựng nông thôn mới có tăng trưởng về kinh tế nhưng vẫn đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Do vậy cần có những nghiên cứu và ứng dụng tri thức bản địa về sinh hoạt xã hội của dân tộc Tày, Nùng để góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy ứng dụng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng hiện nay. 

Để du lịch, nhất là du lịch cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc phát triển, rất cần sự kết hợp giữa du khách, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cư dân bản địa và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Nhà nước và doanh nghiệp, các cá nhân làm du lịch cũng cần biết cách đầu tư, chia sẻ quyền lợi cho cộng đồng các dân tộc thiểu số hệ thống dịch vụ cộng đồng như nhà nghỉ của người dân (homestay) và hình thành, tạo điều kiện để phát triển hiệp hội du lịch địa phương để hỗ trợ kinh doanh, bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ ăn uống, đi lại.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với chủ trương phát triển du lịch, đi đôi với việc bảo vệ các di tích, cảnh quan, môi trường hiện có; tạo điều kiện thuận lợi để người dân cùng tham gia làm du lịch, góp phần tạo việc làm, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập người dân. Cùng với đó, tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tham gia làm du lịch.

 

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây