Du lịch Cao Bằng đang từng bước phát triển, tuy nhiên để tiếp tục phát triển du lịch bền vững (DLBV) và có sức cạnh tranh cao trong khu vực còn hạn chế và cần có định hướng mới. Theo đánh giá của các chuyên gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), hiện nay, hiệu quả kinh tế của các hoạt động du lịch mang lại chưa cao; năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước chậm thay đổi, chưa tạo môi trường khuyến khích thúc đẩy phát triển du lịch; chất lượng hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch (DVDL) còn hạn chế… Các đơn vị kinh doanh DVDL chưa có sự liên kết, phối hợp triển khai các hoạt động du lịch. Các làng nghề, làng truyền thống, làng du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển du lịch chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt nên năng lực tổ chức hoạt động du lịch còn yếu kém, chưa khai thác hết tiềm năng du lịch và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp để tạo ra các điểm du lịch riêng hấp dẫn; hạn chế bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, vệ sinh môi trường, thiếu sản phẩm du lịch mới đặc sắc…
Đồng chí Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng cho biết: Để phát triển DLBV, tỉnh cần quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học; chú trọng phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.
Trên cơ sở Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tiềm năng lợi thế phát triển du lịch của tỉnh, Sở VH,TT&DL đã định hướng, xây dựng 3 chương trình lớn: Bảo vệ môi trường để làm giảm thiểu tác động đến môi trường + bảo tồn văn hóa, DLBV không gây hại đến các cấu trúc xã hội và văn hóa cộng đồng, tôn trọng giá trị văn hóa bản địa; khuyến khích các bên liên quan hợp tác, liên kết và có sự tham gia của chính quyền, người dân và doanh nghiệp + công bằng về kinh tế vì DLBV đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng và tạo ra những thu nhập công bằng và ổn định cho cộng đồng địa phương cũng như các bên liên quan.
Đến nay, các nội dung phát triển DLBV được Sở VH,TT&DL, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng quan tâm, liên kết chỉ đạo các huyện: Nguyên Bình, Hòa An, Hà Quảng, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Thạch An, Bảo Lạc, Bảo Lâm và Thành phố quan tâm triển khai các nhiệm vụ phát triển DLBV. Hằng năm, Ban Quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO đào tạo, tập huấn và hỗ trợ cho cán bộ huyện, Thành phố, cá nhân, đơn vị kinh doanh DVDL lập kế hoạch hoạt động phát triển DLBV. Phối hợp với UBND huyện, Thành phố, các cơ quan hỗ trợ khảo sát xây dựng tour, tuyến du lịch trải nghiệm, xây dựng các loại hình quảng bá du lịch; tư vấn các mô hình quản lý, xử lý rác thải các điểm du lịch; xây dựng phương án bảo tồn kiến trúc truyền thống, làng nghề gắn với phát triển du lịch; sản xuất nông, lâm, thủy sản gắn với phát triển du lịch; phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu…
Hiệp hội Du lịch tỉnh tuyên truyền, vận động cá nhân, đơn vị kinh doanh DVDL tham gia các hoạt động DLBV và tư vấn xây dựng lộ trình, kế hoạch phát triển DLBV. Tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường, nông nghiệp bền vững, bảo tồn văn hóa, tri thức bản địa, du lịch thân thiện với môi trường. Thường xuyên đánh giá tiến độ thực hiện phát triển DLBV để kịp thời phản ánh, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, cá nhân hoạt động hiệu quả hơn.
Theo bà Chu Thị Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, từ năm 2019 đến nay, với định hướng của các sở, ngành chức năng, các phòng, ban chuyên môn của huyện đã tập hợp doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh DVDL tổ chức hội thảo, lập kế hoạch triển khai các nhiệm vụ phát triển DLBV. Huyện chú trọng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc hữu như: hạt dẻ, gạo nếp Ong, nếp Pì Pất, tương mẹc cảng, vịt cỏ, thạch trắng mác púp, bánh khảo Thông Huề… Phát triển du lịch cộng đồng homestay gắn với bảo tồn văn hóa bản địa từ không gian kiến trúc, cảnh quan, ẩm thực, văn hóa dân gian, bảo vệ môi trường…
Với sự vào cuộc đồng bộ của Sở VH,TT&DL, các sở, ngành hữu quan, chính quyền địa phương và đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động du lịch cam kết thực hiện hoạt động DLBV. Do đó, những năm qua, du lịch tỉnh bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di tích, diện mạo địa chất và có thêm nhiều sản phẩm du lịch từ khai thác, bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa đặc sắc như: ẩm thực, lễ hội dân gian, du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, du lịch cảnh quan thiên nhiên… trở thành điểm đến hấp dẫn. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 xảy ra làm giảm lượng khách, nhiều đơn vị hoạt động du lịch, DVDL đã tận dụng thời gian này để làm mới nhiều sản phẩm du lịch từ bảo tồn văn hóa địa phương và bảo vệ môi trường. Sở VH,TT&DL tiếp tục hướng các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, thể thao dưới nước và leo núi, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái giải trí theo hướng DLBV.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn