Trải nghiệm du lịch nông nghiệp từ giống cây trồng bản địa đặc hữu

Thứ sáu - 26/06/2020 09:08
Phja Oắc - Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình) nằm trên tuyến hướng Tây của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Từ mùa hè đến mùa thu là thời điểm lý tưởng để du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp từ cây trồng đặc hữu bản địa để thưởng thức sản vật ngon của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Du khách trải nghiệm sao chè chất lượng cao tại Công ty TNHH Kolia.
Du khách trải nghiệm sao chè chất lượng cao tại Công ty TNHH Kolia.

Có độ cao từ 700 - 1.000 m so với mực nước biển, khí hậu mát lạnh quanh năm, hầu hết rừng được bảo tồn, có rừng quốc gia Phja Oắc nguyên sinh với hơn 200 loài thảm thực vật. Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều loại giống cây trồng đặc hữu, cùng với tri thức bản địa, kinh nghiệm canh tác lâu đời của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao đã lưu giữ, phát triển nhiều giống cây bản địa đặc hữu cho giá trị cao. Hiện nay, các cây con bản địa đặc hữu đang được doanh nghiệp, người dân địa phương xây dựng thành mô hình trải nghiệm cho khách du lịch tự làm ra và mua sản phẩm nông nghiệp.

Khu du lịch sinh thái Công ty TNHH Kolia - KOLIA Organic FARM có quy mô 40 ha trồng nhiều loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, như: chè chất lượng cao, cải bắp, su su, rau bí và các loại hoa ôn đới... Du khách đến đây tự hái chè, trồng rau, trồng hoa theo khu đất riêng và đến kỳ thu hái sản phẩm. Cuối tuần, Công ty tổ chức xe đưa đón khách đến tự lao động, trải nghiệm theo sở thích. Mô hình này đang được khách các tỉnh miền xuôi, thành phố ưa chuộng, số lượng khách đến tăng dần.

Chị Nguyễn Hồng Hà, du khách Hà Nội chia sẻ: Đến khu du lịch sinh thái Công ty TNHH Kolia, gia đình tôi rất hứng thú với trồng rau cải bắp giống cũ trái vụ, tự hái chè, phơi, sao sấy chè ngon… Không những được thưởng thức ẩm thực chất lượng, an toàn mà còn dạy các con ý nghĩa lao động phục vụ cuộc sống.

Tiếp đó, du khách được trải nghiệm làng nghề làm miến dong Phja Đén, có 30 hộ làm miến dong thủ công từ củ dong riềng với bột dong chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao. Nếu bạn đến đây vào mùa thu, theo các hộ dân đi thu dỡ củ dong riềng, xay xát, lọc bột dong làm miến; cùng nấu, đảo quấy bột đổ ra khuôn thành sợi miến trong, vàng óng, đem sợi miến ra phên phơi nắng tháng Tám trong vắt. Nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm làm miến cùng một số hộ dân đều hài lòng, đánh giá cao chất lượng sản phẩm sợi miến làm thủ công từ bột củ dong riềng.

Đến bản Hoài Khao, xã Quang Thành của dân tộc Dao Tiền, nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị bản địa về bài thuốc dân gian, món ăn dân dã từ lá rừng, kỹ thuật thêu cổ truyền từ sáp ong. Du khách có thể cùng bà con hái chè dây, phơi chè dùng để uống an thần, chữa đau dạ dày; lên rừng hái các loại cây thuốc tắm cho bà mẹ sau sinh; hái lá chua về nấu canh ốc, canh cá; cùng dân bản đẽo gỗ, nhuộm vải từ lá cây rừng thành nhiều màu sắc khác nhau. Đến mùa thu, du khách trải nghiệm vào rừng lấy sáp tổ ong về làm chất liệu thêu sáp ong trên vải thổ cẩm.

Với trải nghiệm du lịch nông nghiệp từ giống cây trồng bản địa đặc hữu, du khách được thưởng thức sản vật ngon khác biệt lưu truyền trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, bạn sẽ thêm yêu cuộc sống và muốn khám phá các điểm của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

 Từ khóa: Che Phja Den, Don dien Kolia

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây