Khi chúng tôi đến tìm hiểu các làn điệu dân ca Dao Tiền, những thành viên và người yêu dân ca Dao Tiền tại xã Hoa Thám (Nguyên Bình) đã tề tựu đông đủ tại nhà của bà Hoàng Thị Hoa, Chi hội trưởng Chi hội Bảo tồn dân ca xã Hoa Thám. Khi nghe các ông bà, anh chị cất lên tiếng hát, ai cũng bị thu hút bởi các làn điệu dân ca mượt mà. Có làn điệu như dài vô tận có thể hát mãi, hát thâu đêm mà chưa dứt; nội dung, đề tài phong phú, đa sắc màu, câu hát êm đềm, dịu dàng, uyển chuyển, lúc trầm lúc bổng, trong sáng lại yêu thương, người hát say sưa, người nghe say đắm, câu ca nồng thắm lay động lòng người.
Bà Hoàng Thị Hoa cho biết: Từ nhỏ, tôi được nghe các làn điệu dân ca dân tộc mình từ ông bà, cha mẹ. Những điều hay, ý đẹp, đạo lý làm người được thế hệ trước gửi vào lời hát mà giáo dục con cháu. Dân ca như lúa gạo nuôi tôi khôn lớn, dạy tôi thành người. Những lời chia sẻ của bà Hoa như tiếng Páo Dung bay khắp căn nhà nhỏ, ngập tràn trong ánh mắt từng người như khiến họ được sống lại những kỷ niệm của ngày xưa…
Dân ca của người Dao Tiền đa dạng, phong phú với 2 thể loại: Phục vụ nhu cầu tinh thần của người dân trong đời sống thường ngày và loại hình tồn tại trong các nghi lễ phong tục, tập quán. Nội dung các làn điệu dân ca phản ánh các lĩnh vực đời sống tinh thần, tình yêu lứa đôi, nhân đức, kính hiếu cha mẹ, biết ơn tổ tiên, yêu lao động, quê hương, triết lý cuộc sống... Ca từ có vần điệu, giàu hình ảnh ví von, ý nhị sâu sắc, cảm hóa, cuốn hút lòng người, có thể do những người hát sáng tác, đối đáp một cách thông minh, dí dỏm, tài tình hoặc do người già giỏi chữ nghĩa, hiểu biết trong làng ứng tác hộ cho người hát.
Theo Chủ tịch UBND xã Hoa Thám Hoàng Tòn Sao, trước nguy cơ dân ca dân tộc Dao Tiền đang bị mai một, cấp ủy, chính quyền địa phương, các nghệ nhân, người yêu dân ca Dao Tiền đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động để bảo tồn dân ca như: Thành lập Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc xã Hoa Thám; thành lập tổ, nhóm yêu thích dân ca Dao Tiền tại một số xóm; tuyên truyên, vận động nhân dân gìn giữ vốn quý dân tộc mình; sưu tầm các sách cổ và sao chép một số đoạn trích hát nghi lễ…
Nhưng các hoạt động này không được duy trì thường xuyên do thiếu kinh phí; đời sống của người dân còn khó khăn nên chưa dành thời gian, tâm huyết gìn giữ và phát huy các làn điệu dân ca, do đó dòng chảy làn điệu dân ca Dao Tiền đang dần cạn kiệt.
Để hồi sinh các làn điệu dân ca Dao Tiền cần thường xuyên giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý văn hóa các cấp có tâm huyết với nền văn hóa nghệ thuật địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để đồng bào nhận thức được vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của cộng đồng; giáo dục tinh thần tự hào bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Dao Tiền, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên để họ thêm yêu mến dân ca dân tộc mình.
Ngành văn hóa đầu tư kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, từ đó xây dựng phương pháp bảo tồn cụ thể; sử dụng các làn điệu dân ca Dao Tiền trong các sáng tác mới, cải biên các làn điệu phù hợp với nhịp sống mới của thời đại nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Khuyến khích phong trào diễn xướng dân ca trong quần chúng, động viên cộng đồng người Dao Tiền tổ chức những buổi liên hoan, hội thi hát dân ca, dân vũ dân tộc, tạo cơ hội cho việc khai thác vốn dân ca còn tiềm ẩn trong quần chúng nhân dân…
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn