Ngâm nga bài thơ “Mời anh về quê em”, ta như theo mạch cảm xúc của tác giả khi tới thăm từng địa danh của mảnh đất Cao Bằng. Đây là Cao Bằng với thiên nhiên “núi vươn trời xanh” và con người “mộc mạc trân thành”; là “điệu tính” với “lời then” ngọt ngào, đằm thắm; là cội nguồn Cách mạng Việt Nam với Suối Lê Nin, núi Các Mác, Rừng Quốc gia Trần Hưng Đạo; là sông Hiến, sông Bằng uốn mình ôm lấy thành phố trẻ từng ngày đổi thay; là những phiên chợ vùng cao với biết bao sản vật, sắc màu văn hóa… Và đặc biệt hơn nữa chính là một Cao Bằng - “giàu truyền thống/ Dũng cảm can trường rất đỗi yêu thương”.
Ban biên tập xin được trân trọng giới thiệu tới quý độc giả và du khách bài thơ “Mời anh về quê em” của tác giả Vũ Khánh Đông.
Mời anh về quê em
Mời anh về quê em Cao Bằng.
Miền Biên cương chưa bao giờ anh tới.
Một lần thôi em vẫn chờ vẫn đợi.
Đợi anh về ngắm núi vươn trời xanh.
Cao Bằng quê em mộc mạc trân thành.
Giữa mùa đông mà nghĩa tình ấm áp.
Điệu hát then tiếng đàn tính ngân xa.
Cao Bằng quê em anh hãy cùng về.
Thăm Suối Lê Nin núi cao Các Mác.
Nơi khởi nguồn cách mạng sáng niềm tin.
Về quê em có sông Hiến, sông Bằng.
Uốn mình quanh phố phường sầm uất.
Chợ phiên về cho biết bao sản vật.
Của đất trời và của giọt mồ hôi.
Về quê em ngắm lửa đêm sương trời.
Nghe chuyện thời cha ông ta đánh giặc.
Nghe núi rừng chở che khi chiến tranh.
Về quê em nơi ấy sáng ngời.
Hưng đạo khu rừng ngày đầu cách mạng.
Theo chiều dài lịch sử mãi vẻ vang.
Về quê em nơi chấn ải giang san.
Thác Bản Giốc ngàn đời tiếng nước đổ.
Về quê em biết bao điều mãi nhớ.
Pháo đài xưa nơi chiến tích huy hoàng.
Về quê em ở nơi ấy hiên ngang.
Anh sẽ biết có con đèo năm đó.
Đèo bông lau ghi dấu chiến công đầu.
Về quê em đi bất cứ nơi đâu.
Anh sẽ thấy mảnh đất giàu truyền thống.
Dũng cảm can trường rất đỗi yêu thương.
Quê hương cách mạng trăm mến ngàn thương./.
Vũ Khánh Đông
Tác giả bài viết: Hồng Son
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn