Trung tâm Thị trấn huyện Trùng Khánh. Ảnh: Thế Vĩnh |
HỒN QUÊ MỘC MẠC
Tổ 5, thị trấn Trùng Khánh là khu vực sầm uất nhất nằm ở trung tâm chợ Trùng Khánh. Cách con phố chính chạy dọc chợ, một dãy nhà cổ nằm nép vào nhau như bức tranh thanh bình nơi thôn quê. Cả dãy phố dài hiện chỉ còn chưa đến 5 ngôi nhà cổ xây dựng từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Nhiều ngôi nhà tường đã bong tróc, rêu mốc phủ đầy, mái nhà nhuốm màu của thời gian.
Trong căn nhà cổ, ông Mạc Văn Thào (65 tuổi) chia sẻ: Gia đình tôi từ dưới xuôi lên Trùng Khánh lập nghiệp từ năm 1954. Căn nhà này xây dựng đến nay đã hơn 50 năm. Vật liệu chính làm nhà chủ yếu là đá, vôi, cát và đất sét (cao lanh). Đá được khai thác tại các ngọn núi xung quanh nhà nhưng để lấy đất sét không dễ, phải đi xa cách nhà vài cây số để chọn những gánh đất sét ưng ý nhất đem về trộn với vôi. Nhà nào có điều kiện thuê thợ về làm, không thì nhờ anh em họ hàng, làng xóm đến giúp xây hơn 2 tháng mới xong.
Một dãy nhà cổ ở phố Co Sàu, thuộc tổ 2, thị trấn Trùng Khánh. |
Đi một vòng quan sát, những ngôi nhà cổ có thiết kế gần giống nhau. Chiều ngang và dài của ngôi nhà có tỷ lệ gần bằng nhau, mặt tiền rộng hơn 4 m, sâu khoảng 25 m, nhà 1 gian, trần nhà cao hơn 4 m tạo sự thông thoáng cho không gian bên trong, mái nhà lợp bằng ngói âm dương. Nhà ở mùa hè mát, mùa đông ấm áp. Cách bố trí không gian, đồ đạc bên trong nhà tùy theo từng gia đình nhưng gian ngoài chủ nhà thường làm phòng khách, sau phòng khách có 3 phòng ngủ nối liền nhau, mỗi phòng rộng khoảng 10 m2. Những ngôi nhà cổ xây dựng đã hơn 50 năm nhưng vẫn rất vững chắc, mái ngói chỉ thay mới một số viên do gió lốc làm vỡ.
GÌN GIỮ CHO THẾ HỆ MAI SAU
Chúng tôi đến tổ 1, tổ 2 thị trấn Trùng Khánh, nơi còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ được xây dựng từ hơn nửa thế kỷ trước, có nhiều ngôi nhà xây dựng cách đây cả trăm năm. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn vẻ đẹp xưa và những nét đẹp trong văn hóa, lối sống thường ngày.
Ông Đinh Việt Hùng, tổ 2, thị trấn Trùng Khánh, tự hào giới thiệu với chúng tôi về những căn nhà cổ. Ông Hùng cho biết: Nhà tôi xây từ năm 60 của thế kỷ trước, lúc đó có nhà xây bằng đá, mái lợp ngói âm dương. Gia đình có điều kiện vì thời điểm đó xây được ngôi nhà như vậy không dễ, cả khu chỉ có vài nhà xây kiên cố, dẫn chúng tôi vào xem căn nhà cổ, những nét hoa văn, thiết kế trong nhà vẫn như trường tồn với thời gian. Từ song cửa làm bằng gỗ lim đến những hoa văn trên ô cửa chính vẫn giữ được nét trang trí thịnh hành thời điểm đó.
Theo ông Trần Xuân Cường, Bí thư kiêm Tổ trưởng tổ 2, thị trấn Trùng Khánh, cái tên phố Co Sàu, nhiều người gọi là Co Sầu, đây là địa danh gọi chung cho cả khu thị trấn Trùng Khánh có từ sau năm 1975. Lúc đó, phố Co Sàu chia làm 3 khu (1, 2, 3) chạy từ tổ 1 đến tổ 5 thị trấn (khu vực trung tâm chợ Trùng Khánh).
Thời đó, chủ yếu các hộ dân ở Co Sàu là những người dân gốc dưới xuôi lên Cao Bằng từ đời ông cha để lập nghiệp. Nhà cửa còn thưa thớt, mỗi khu trung bình chỉ có chục hộ dân. Các ngôi nhà ở Co Sàu xây dựng sát nhau, người dân sống rất đoàn kết, ít khi có tranh cãi, xích mích. Hiện nay, cả tổ 2 (vừa sáp nhập tổ 1 và 2) có 182 hộ dân. Từ đầu những năm 2000 về gần đây, đời sống của người dân ngày càng nâng cao, nhiều hộ có điều kiện kinh tế khá giả đã phá nhà cổ để xây nhà tầng hoặc nhà cấp 4, nhà nào khó khăn hơn thì tu sửa đằng trước nhà. Hiện cả tổ còn hơn 10 ngôi nhà cổ còn giữ nguyên thiết kế từ khi mới xây dựng.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, phố Co Sàu đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Cả phố giờ chỉ còn vài chục hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà cổ đang xuống cấp dần. Số nhà còn giữ nguyên vẹn, mái lợp ngói âm dương hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nhiều gia đình vẫn muốn giữ gìn chút kỷ niệm từ thời cha ông để lại nhưng cũng nhiều gia đình muốn tu sửa song không có kinh phí.
Thiết kế thời những năm 60 - 70 của thế kỷ trước vẫn còn được lưu giữ tại nhiều ngôi nhà. |
Hiện nay, dọc phố Co Sàu đa số là những ngôi nhà tầng mọc lên san sát dần thay thế ngôi nhà cấp 4 cổ lợp ngói âm dương. Đó là sự đổi thay mang tính thời đại, tín hiệu mừng cho sự phát triển chung của địa phương. Nhưng đối với mỗi người dân ở phố phủ Co Sàu nói riêng và người dân Trùng Khánh nói chung, những nếp nhà ngói nơi đây đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ.
Việc gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của địa phương gắn với phát triển du lịch là định hướng của nhiều địa phương. Thiết nghĩ, huyện Trùng Khánh cần nghiên cứu, vận dụng các chính sách, tham mưu với các cấp, ngành liên quan trùng tu, nâng cấp để gìn giữ những ngôi nhà cổ ở phố Co Sàu, có thể tận dụng làm điểm tham quan cho khách du lịch đến huyện Trùng Khánh.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn