Hát quan lang của người Tày là thể loại hát hỷ ca trong đám cưới rất dồi dào âm điệu mà phong phú ý tình bằng lối đối đáp để tỏ rõ tài ăn nói của những người làm quan lang đại diện hai họ trong đám cưới người Tày. Người đảm nhận vai trò quan lang đại diện hai họ hát đối giữa họ nhà trai với họ nhà gái. Khi đến nhà gái cũng có bài hát mở cửa, hát vào cửa, trải chiếu… Toàn bộ quá trình liên quan đến đón dâu, đưa dâu… trong đám cưới đều dùng lối hát quan lang để đối đáp và tiến hành.
Hát quan lang thường được chia làm 3 đoạn: Đón dâu (nhà trai đến xin dâu), nộp gánh (trong lúc nhà gái nộp dâu), đưa dâu (nhà trai đưa cô dâu về). Mỗi bài hát đều mang ý tứ, ứng xử của cả hai bên gia đình trai gái. Khi thực hiện các nghi lễ để đón rước dâu, người hát quan lang nhà trai đều phải hát để nhà gái nghe “thuận tai” và cho công việc được thực hiện đúng trình tự. Nhà gái cũng sẽ đáp lại để tạo không khí vui vẻ.
Trong hát quan lang không có đạo cụ kèm theo mà chủ yếu là những lời đối đáp mộc mạc nhưng đầy tình ý của ông quan lang. Trước kia, kinh tế còn khó khăn nhưng đám cưới luôn đầy đủ những nghi thức, phong tục đặc trưng của dân tộc, trong đó phần tạo nên không khí trang trọng, vui tươi nhất, đáng nhớ nhất chính là hát quan lang.
Hát quan lang độc đáo, giàu bản sắc là thế nhưng khoảng 10 năm trở lại đây đã không còn phổ biến ở các đám cưới của đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh, thậm chí đã “vắng bóng” gần như hoàn toàn. Thế hệ trẻ hôm nay khi nói đến tục hát quan lang trong đám cưới hầu hết đều không biết. Với những thế hệ 7x, 8x thì chỉ còn trong ký ức tuổi thơ đâu đó từng được nghe hát quan lang...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hát quan lang “vắng bóng” trong đám cưới hiện nay, như: Số lượng người biết hát ngày càng ít, tập trung ở các cụ cao niên, còn thế hệ trung niên trở lại đây hầu hết đều không biết hát; các gia đình người Tày tổ chức đám cưới đều theo lễ nghi của người Kinh, thuê âm thanh, máy móc hiện đại, sử dụng các bài hát phổ thông; hát được quan lang đòi hỏi người hát phải biết tiếng Tày và nắm được thuần thục các câu hát, trong khi thế hệ trẻ hiện nay ít tìm hiểu và học ngôn ngữ dân tộc mình nên rất khó để hiểu và sử dụng ngôn ngữ Tày cũng như hát quan lang...
Nghệ nhân Ưu tú Nông Thế Anh, 62 tuổi, xóm Nà Cà, xã Trọng Con (Thạch An) cho biết: Hát quan lang của dân tộc Tày rất dễ đi vào lòng người, dễ nghe, dễ hiểu. Tôi bắt đầu học và biết hát quan lang từ năm 20 tuổi. Hiện nay, tôi thường xuyên được mời đi hát quan lang ở các hội diễn, các chương trình dân ca truyền thống trong và ngoài tỉnh. Tôi rất mong hát quan lang được khôi phục và phổ biến trở lại, nếu có người thích học, tôi sẽ truyền lại vì đây là truyền thống của ông cha cần được gìn giữ, phát huy.
Những năm qua, các hội, Câu lạc bộ Bảo tồn dân ca các dân tộc trong tỉnh luôn lồng ghép các trích đoạn hát quan lang khi đi giao lưu biểu diễn ở các địa phương. Để tục hát quan lang không bị mai một, bên cạnh việc chú trọng bảo tồn các loại hình văn hóa khác của người Tày thì các cấp, ngành, các cơ quan chức năng liên quan cần có những phương án sưu tầm, tập hợp tư liệu và sách cổ về hát quan lang đang được lưu giữ trong nhân dân để tục hát quan lang “hồi sinh”.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn