Tục lấy nước vào đêm giao thừa đã tồn tại lâu đời trong đời sống cộng đồng người Tày – Nùng sống ở vùng nông thôn miền núi ở Cao Bằng. Người Tày – Nùng sống ở nông thôn đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, do đó nguồn nước là vô cùng quan trọng. Có những nơi vào mùa khô, các con suối, mỏ nước tự nhiên cạn khô, để có nước sinh hoạt họ phải lấy nước từ trong lòng đất thông qua các hang đá sâu hơn chục mét, vì vậy với họ nguồn nước là vô cùng quý giá. Họ luôn ước nguyện quanh năm mưa thuận, gió hòa, nguồn nước chảy mãi không bao giờ cạn, chắc có lẽ vì vậy nên người Tày – Nùng Cao Bằng có tục “au nặm mấư ” lấy nước vào đêm giao thừa.
Khi thời khắc giao thừa đã đến, cả bản làng Tày – Nùng cùng nhau thắp đèn đi lấy nước. Người thì gánh, người thì sách xô, thùng, hò reo đi cùng nhau vui như hội. Nơi chọn “au nặm mấư” thường là những mỏ nước dưới chân đồi, chân núi chảy từ vách đá ra, quanh năm nước chảy, trong mát, đây là nơi sinh hoạt chung của cả làng. Lễ vật để đi lấy nước rất đơn giản, mỗi gia đình khi đi ngoài đôi thùng để gánh nước, họ mang theo 1 bó hương thường là 3 đến 5 que hương thắp sẵn từ nhà đi (nếu nhà nào xa nguồn nước có thể đến mỏ nước thì thắp sau); cùng với bó hương là một vài tờ tiền âm phủ tự cắt bằng giấy bản. Với người Tày – Nùng, đây là thời khắc rất thiêng liêng và ý nghĩa. Khi đi, gặp ai cũng chúc mừng nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới như “Chúc pỉ (nọong) bươn chiêng pi mấư mì rèng; pi mấư hất kin phát đạt” có nghĩa là “Chúc anh (em) năm mới mạnh khỏe; năm mới làm ăn phát đạt”. Có những người trong năm qua có sự hiềm khích vì con trâu, con bò nhà này ăn hoa màu của nhà kia mà sảy ra cãi vã, giờ phút này khi gặp nhau họ cũng dành cho nhau những lời chức năm mới tốt đẹp. Vì vậy đây còn là dịp xây dựng sự đoàn kết, gắn bó thương yêu nhau giữa người với người. Khi đến nơi lấy nước, mỗi người cắm que hương cùng tiền âm phủ xuống đất ngay gần đó, khi cắm hương và lấy nước ai nấy đều cầu xin vị thần cai quản nguồn nước trong năm mưa thuận, gió hòa, nước nguồn không bao giờ cạn, mùa màng bội thu, vật nuôi trong nhà mau lớn không bị ốm bệnh, gia đình ấm no, hạnh phúc; khi ra về, gánh nước trên vai, trong số những nén hương đang thắp phải mang một nén về nhà, hương phải cháy suốt trong quá trình về để đón lộc mới về nhà. Khi về đến nhà nén hương đó được thắp ngay gần chum nước để nước luôn đong đầy, có gia đình thì thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên. Nước vừa lấy về cho vào siêu để đun, khi nước đã sôi, gia đình sẽ pha 1 ấm chè ngon dâng lên bàn thờ tổ tiên, báo cáo với tổ tiên năm mới đã đến và đây là nguồn nước tinh khiết vừa mang về kính dâng tổ tiên, cầu cho con cháu được an lành, gặp nhiều may mắn, gia đình yên vui, hạnh phúc, khi báo cáo tổ tiên xong, gia đình cũng pha một ấm chè khác để thưởng thức vị ngọt của nước, vị ngon của chè cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.
Hiện nay, tục “au nặm mấư” vẫn còn tồn tại trong cộng đồng người Tày – Nùng sinh sống ở vùng nông thôn, miền núi, nhưng một số làng bản ven thị trấn dùng nước sạnh, nước máy đã mai một và không còn tục này nữa. Đây là một tục rất bình dị, không tốn kém, không lãng phí. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam vài năm gần đây đã có nhiều chương trình giáo dục, nâng cao ý thức về giữ gìn và bảo vệ nguồn nước ngọt, vì vậy phong tục này của người Tày – Nùng thật đáng trân trọng.
Tác giả bài viết: Hoài Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn