Năm 2013, cô sinh viên dân tộc Tày – Đoàn Thu Trà (1991) tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Năm 2014, Thu Trà trở về quê hương Cao Bằng làm việc và tiếp tục học lên Thạc sĩ ngành Khoa học cây trồng.
Ngay từ những năm học đại học, Thu Trà đã mơ ước sau này phải xây dựng được một trang trại hoa, cây cảnh và rau quả sạch của chính mình. Từ những kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập, cùng với niềm đam mê yêu thích cây trồng, năm 2017, Thu Trà quyết định khởi nghiệp tại quê hương Cao Bằng với cây dâu tây. Vừa mày mò, vừa thăm quan, học tập các mô hình ở Sa Pa, Mộc Châu, Quảng Ninh, và một số tỉnh Miền Bắc, áp dụng kiến thức trên giảng đường, sau thời gian trồng thử nghiệm, Thu Trà đã thực sự hứng thú với giống cây trồng này.
Và sau rất nhiều cố gắng, nỗ lực, Thu Trà đã xây dựng được hệ thống nhà kính, mua giống dâu tây về trồng thử trên diện tích 1.800 m2 với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng. Các giống dâu tây chủ yếu là giống New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiện trang trại hoa hồng, dâu tây Hasfarm của Thu Trà là một trong những trang trại đi đầu tại Cao Bằng về sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, với việc ứng dụng trồng dưa lưới, dâu tây trên giá thể, sử dụng các máy móc thông minh như hệ thống tưới châm phân tự động fertikit kết nối wifi, 3G với người dùng; hệ thống cảm biến dự báo thời tiết trên vườn, các loại máy, bút đo chỉ tiêu của đất và dung dịch thuỷ canh cho cây trồng…
Sau 3 năm thử nghiệm, hiện Thu Trà đã có 3 vườn trồng hoa và dâu tây, với diện tích lên đến 5,5 ha. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn dâu tây của Thu Trà phát triển xanh tốt, sau 3 tháng đã cho thu hoạch trái ngọt. Vì trồng theo hướng nông nghiệp sạch nên trồng đến đâu sản phẩm thu hoạch tới đó. Trung bình mỗi ngày cho thu từ 5 – 6kg dâu.
Thu Trà cũng nhận thấy, sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch đang là hướng phát triển thu hút được khách thăm quan rất nhiều. Hơn nữa quê hương cô có ngôi chùa Đà Quận đã tồn tại hơn 400 năm nhưng chưa được mọi người biết đến nhiều. Từ ý tưởng đấy, Thu Trà quyết định kết hợp du lịch nông nghiệp với du lịch tâm linh để làm nổi bật danh lam, thắng cảnh, di tích ở địa phương. Cô bắt đầu xây dựng khuôn viên riêng để phục vụ khách du lịch thăm quan, trải nghiệm hái dâu tây và mở vườn từ cuối tháng 10 đến tháng hết 5.
Ảnh: Khách du lịch thăm quan, trải nghiệm tại vườn dâu tây
Mô hình mới lạ đã thu hút đông đảo khách du lịch và mang lại doanh thu cao, khoảng hơn 2 tỷ/năm, chủ yếu từ việc bán sản phẩm. Với những hiệu quả bước đầu này đã giúp cho Thu Trà tự tin hơn, mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng dâu tây. Đồng thời cô còn thử sức thêm với hoa hồng cổ và hoa hồng nhập ngoại, hoa hướng dương, dưa leo, dưa lưới,…
Ảnh: Thạc sỹ Đoàn Thu Trà chăm sóc vườn hoa hồng (Ảnh: Kim Xuân)
Mô hình du lịch nhà vườn của thạc sỹ trẻ Đoàn Thu Trà như một điểm nhấn mới cho du lịch Cao Bằng. Để rồi không chỉ thu hút du khách ở những cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, núi non hùng vĩ, khí hậu ôn hòa, mà thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ còn hấp dẫn du khách với những trải nghiệm mới tràn đầy thú vị tại một số trang trại, nhà vườn.
Hy vọng rằng từ mô hình của thạc sỹ trẻ Thu Trà, các mô hình du lịch nhà vườn tại Cao Bằng sẽ được nhân rộng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng du lịch tỉnh Cao Bằng, đồng thời, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trong nông nghiệp của tỉnh, xây dựng nên nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, có lợi thế cạnh tranh và sức hút lớn của tỉnh trong thời gian tới./.
Một số hình ảnh đẹp tại Trang trại hoa hồng, dâu tây Hasfarm:
Tác giả bài viết: Hồng Son
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn