Đến xã Trọng Con lúc mặt trời vừa ló trên đỉnh núi, những mái nhà sàn cổ thấp thoáng dưới những tán cây xanh, trên sàn nhà tập trung những “nghệ nhân làng” say sưa biểu diễn điệu múa Chầu với những động tác thuần thục, mềm mại, uyển chuyển. Khi tiếng đàn Tính vang lên, những nghệ nhân trên tay phải cầm chuông xóc nhạc theo hình chân bước vòng tròn, tay trái cầm quạt uốn quanh, đưa chuông xuống dưới cao ngang hông, chân nhảy nhẹ nhàng, tiến lùi theo nhịp đàn Tính. Đó là những động tác cơ bản của điệu múa Chầu được lưu truyền từ nhiều đời nay.
Bà Nông Thị Nhít, năm nay hơn 80 tuổi, nhưng có gần 70 năm gắn bó với điệu múa Chầu, cho biết: Không biết điệu múa Chầu ở Trọng Con có từ bao giờ, nhưng múa Chầu được các nghệ nhân, đội văn nghệ biểu diễn trong các hội thi và được coi là điệu múa phổ biến ở đây. Các dịp biểu diễn tại đám cưới, nhà mới, lễ hội... mỗi khi tiếng đàn Tính vang lên, chiếc quạt giấy mở ra là mọi người lại say sưa múa.
Theo các cụ cao niên, trong điệu múa Chầu ngày xuân có một phần khá dài để giải uế. Người xưa quan niệm rằng, năm mới ai cũng phải tẩy rửa sạch sẽ để đón năm mới thật tinh khiết, trong lành. Còn người múa Chầu trong các dịp lễ hội, cầu tài, cầu lộc thường mặc áo màu chàm hoặc màu đỏ, những động tác nhịp nhàng theo chân bước, di chuyển theo hàng lối như múa “khao thuông” nhưng không có phần giải uế mà tập trung vào phần cầu chúc.
Các nghệ nhân biểu diễn điệu múa Chầu
Múa “khao thuông” từ 4 người trở lên, càng đông càng vui, di chuyển theo vòng tròn, hàng ngang hay tiến lùi theo hàng chéo, theo điệu nhạc đàn Tính và giai điệu Then. Người múa cầu may mắn cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, làng trên, xóm dưới bình an, nhân khang, vật thịnh. Không gian diễn xướng của múa Chầu chủ yếu là trong nhà, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng...
Trải qua hàng trăm năm, với dòng chảy của xã hội, múa Chầu ngày nay đã dần bị mai một. Thế hệ trẻ ngày càng ít biết đến điệu múa truyền thống độc đáo này. Ông Hoàng Văn Thiệu, xóm Nam Quang, người có công sưu tầm, khôi phục, dàn dựng lại điệu múa Chầu cho biết: Điệu múa Chầu ở xã Trọng Con gắn bó với đời sống sinh hoạt của bà con từ rất lâu đời và bắt đầu được phục dựng lại từ năm 2002.
Qua sưu tầm từ các cụ cao niên trong xã, khi múa Chầu, lần lượt người múa thực hiện những động tác: Múa đứng vòng xiêm, múa quỳ, múa ngồi, múa nằm lướt (lồng đang) hoặc múa theo điệu chèo thuyền (phài lừa), múa theo nhạc đàn Tính. Xuất phát là nữ giới múa, ý nghĩa là trong ngày lễ hội, múa đi trước để dẫn đường các vị thần thánh ra đó làm lễ xuống đồng; trong những ngày hội ở địa phương, múa để cho thần thánh xem và vui. Từ đó, các bà Then khi làm lễ thường bắt chước các điệu múa Chầu.
Với niềm say mê điệu múa Chầu, mong muốn được truyền lại cho lớp trẻ, ngày ngày nghệ nhân Nông Thị Bày, xóm Pò Lài say sưa, kiên nhẫn chỉ dạy cách múa, cầm quạt, từng bước di chuyển cho các bạn trẻ mới thấy tình yêu với loại hình nghệ thuật dân gian múa Chầu của bà lớn lao và đáng khâm phục biết bao. Bởi theo bà, dạy múa Chầu cho lớp trẻ chính là cách khôi phục, phát triển và nhân rộng điệu múa Chầu nhanh nhất. Hiện nay, những người già trong xã đã truyền dạy cho 30 người trẻ và các cháu nhỏ tại xóm Pò Lài, Vinh Quang, Nam Quang…
Là một trong những học viên trẻ tuổi và được truyền dạy nhiều điệu múa Chầu, Nông Hà Mây có niềm yêu thích đối với các điệu múa Chầu một cách rất tự nhiên. Gắn bó với múa Chầu gần 10 năm, Mây giờ có thể múa thuần thục các điệu múa Chầu truyền thống. Mây chia sẻ: Học múa Chầu xuất phát từ sở thích của bản thân về các điệu múa dân ca, nhưng khi tập luyện, được chứng kiến sự đam mê và nhiệt huyết của các cụ trong làng, em như được "truyền lửa" và càng thêm hiểu, thêm yêu mến các bài múa Chầu.
Để giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của điệu múa Chầu, hằng năm, huyện Thạch An tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào sưu tầm, truyền đạt cho lớp trẻ nhằm lưu giữ cho thế hệ mai sau. Hiện, xã Trọng Con có đội diễn xướng múa Chầu gồm 10 thành viên từ mọi lứa tuổi, ngành nghề kết nối lại với nhau bằng niềm yêu thích múa Chầu. Đây là đội nòng cốt tham gia hội thi, hội diễn, biểu diễn các hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở, góp phần gìn giữ điệu múa cổ truyền của dân tộc.
Chị Chu Thị Kim Huyên, cán bộ văn hóa xã Trọng Con cho biết: Để lưu giữ điệu múa Chầu, xã đã duy trì, phát triển thêm các thành viên đội múa Chầu và thường xuyên tham gia biểu diễn tại Lễ hội Pháo hoa truyền thống của huyện và các hội diễn do huyện, tỉnh tổ chức, đưa điệu múa Chầu đến với thế hệ trẻ để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.
Du khách có dịp đến huyện Thạch An, vào những xóm, làng đồng bào dân tộc Tày, ngoài việc thưởng thức ẩm thực phong phú còn được ngắm những thiếu nữ Tày duyên dáng trong bộ váy áo truyền thống biểu diễn điệu múa Chầu uyển chuyển làm say đắm lòng người.
Tác giả bài viết: Lương Thanh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn