Độc đáo nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ

Thứ năm - 01/06/2023 11:43
Nói về nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục phải nhắc tới người Dao Đỏ ở xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Bởi nghệ thuật này có từ lâu đời, gắn liền với sự hình thành và phát triển của dân tộc Dao, là kết quả của sự lao động động cần cù, sáng tạo trong môi trường tự nhiên và không gian xã hội cụ thể.

Cũng giống như những đồng bào các dân tộc khác, trong quá trình hình thành và phát triển, người Dao Đỏ ở Cao Bằng đã sáng tạo, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa riêng biệt. Một trong những yếu tố tạo nên nét độc đáo và riêng biệt đó là: trang phục truyền thống và nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục. Trong đó nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục quyết định giá trị của bộ trang phục, là yếu tố không thể thiếu trong văn hóa trang phục cũng như văn hóa tộc người, trở thành phương tiện để biểu hiện nội tâm, biểu hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người sáng tạo, người sử dụng trang phục, kể cả ở góc độ cá nhân hay của cả cộng đồng.

z4371465480525 51b3385dc7550a5c1821ef96243bd49e
Trang phục thể hiện sự độc đáo trong văn hóa của người Dao Đỏ

Có thể thấy, thêu thùa là công đoạn mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ và tính toán kỹ lưỡng của người phụ nữ. Bởi trước khi thêu, người thêu phải tính toán, định hình trước trong ý tưởng các mẫu hoa văn và phối màu cho phù hợp với họa tiết trang trí trên trang phục truyền thống. Đối với người Dao Đỏ, màu sắc trên bộ trang phục truyền thống còn thể hiện nếp sống, quan niệm về thế giới quan của cộng đồng người Dao Đỏ trong quá trình phát triển.

Màu sắc trên trang phục của phụ nữ Dao Đỏ gồm 5 màu cơ bản là: đỏ, xanh, vàng, trắng, chàm (đen). Những sắc màu này gợi cho người Dao Đỏ nhớ về tổ tiên (gắn với truyền thuyết Bàn Hồ hóa thành long khuyển mình rồng ngũ sắc). Các màu sắc cũng mang ý nghĩa riêng, trong đó: Màu đỏ là màu giữ vị trí chủ đạo và chiếm diện tích lớn nhất trên trang phục. Vì màu đỏ mang ý nghĩa đem lại hạnh phúc, ấm no, sự tươi vui, may mắn cho con người. Màu trắng được phối khéo léo với màu đỏ trong các mô típ họa tiết hình tam giác ngược xuôi hay chặn ngang, chặn dọc hoặc chen ngang, chen dọc. Sự phối hợp này đã làm cho màu trắng ở bất cứ vị trí nào cũng đảm nhận vai trò giúp cho các màu khác sáng rực rỡ hơn. Màu vàng tượng trưng cho “phúc”. Màu xanh biểu hiện cho “lộc”. Màu chàm là màu làm nền, giữ vai trò quyết định sự thành công trong nghệ thuật trang trí trang phục truyền thống của người Dao Đỏ. Màu chàm giúp năm màu sắc chủ đạo không bị chói lóa mà trở nên tươi tắn, lung linh và sinh động.

z4371384861949 a9bb4b9a3f1345a306f754092249cce2
Sắc đỏ - màu chủ đạo trong trang phục người Dao Đỏ

Để các họa tiết hoa văn trang trí trên trang phục thêm đa dạng, phong phú, nhưng vẫn giữ được nét mềm mại buộc người phụ nữ Dao Đỏ phải kết hợp nhiều kỹ thuật thêu khác nhau như:

Thêu luồn sợi là kỹ thuật thêu luồn chỉ theo mắt sợi, thêu ở mặt trái nhưng các họa tiết hoa văn lại nổi lên trên mặt phải;

Thêu thắt nút là kỹ thuật thêu từng mũi một, mỗi mũi thêu là một lần thắt chỉ, cách thêu này được sử dụng để tạo các đường chỉ nổi lên trên nền vải theo chiều ngang dọc, phân cách giữa các mảng hoa văn;

Thêu đột là cách thêu chèn hay đè lên một phần họa tiết đã thêu để điểm xuyết hay bổ sung thêm. Các mũi thêu đột thường giấu phần lớn mũi chỉ vào nền thêu, tạo các chi tiết ẩn hiện, nhấn mạnh một số chi tiết và tăng thêm độ sáng tối, gần xa. 

IMG 9227
Người phụ nữ Dao Đỏ tranh thủ thời gian rảnh rỗi để cùng nhau thêu thùa

Cách thêu hoa văn của người Dao Đỏ khá đặc biệt. Khác với người Kinh, người Dao Đỏ không cần khung mà cầm mảnh vải trên tay để thêu. Khi thêu không thêu vắt các đường chỉ lên các sợi vải mà thêu luồn chỉ vào các kẽ sợi ở mặt trái vải, họa tiết hoa văn sẽ hiện lên mặt phải. Do vậy, người thêu có thể tranh thủ thêu được mọi lúc, mọi nơi như giờ nghỉ giải lao trên nương rẫy, lúc rảnh rỗi ở nhà. Khi thêu hoa văn, phụ nữ Dao Đỏ không thêu trên mẫu sẵn mà đều dựa vào trí tưởng tượng để sáng tạo và trí nhớ qua quá trình được trao truyền kinh nghiệm từ các bà, các mẹ, các chị từ khi lên 9, 10 tuổi.

Các hoa văn trang trí trên trang phục rất phong phú, thường là những hình ảnh quen thuộc, gắn bó trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: họa tiết cỏ cây, hoa lá – biểu hiện mối giao hòa giữa con người và thiên nhiên (hình cây thông, hoa cây bông, hoa bạc, hoa bầu bí... ); họa tiết con vật - biểu tượng cho khát vọng tự do (dấu chân hổ, chó, chim); họa tiết hình con người mang tính khái quát cao thể hiện cuộc sống nội tâm và đời sống tâm linh của cộng đồng; họa tiết mặt trời là biểu tượng của thần linh, luôn mang đến cho con người những điều may mắn, thường xuất hiện trên mũ của thầy cúng và trên đuôi thêu của phụ nữ; họa tiết hoa văn hình học - thể hiện tư duy mạch lạc, dứt khoát, rõ ràng (hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác); họa tiết sóng nước xuất hiện khá dày đặc là các đường thẳng nhiều màu kéo dài và liên tục kế tiếp, thường xuất hiện ở gấu quần, gấu áo, các đường bao quanh, làm viền bo cho tổng thể trang trí.

IMG 9168
Một số họa tiết trang trí bạc trên trang phục người phụ nữ Dao Đỏ

Đặc biệt, người Dao Đỏ rất ưa chuộng đồ trang sức bằng bạc. Bởi họ cho rằng bạc vừa là đồ trang sức để tôn thêm vẻ đẹp, sự sang trọng quý phái cho người dùng, vừa có tác dụng tránh gió độc, đuổi được tà ma. Đồng thời, bạc còn thể hiện sự thịnh vượng, sung túc. Các sản phẩm được làm từ bạc luôn đi liền với y phục của người Dao Đỏ như: vòng cổ, vòng tay, cúc bạc, xà tích, hoa tai, nhẫn...

Trang phục nam giới của người Dao Đỏ khá đơn giản gồm có: khăn vấn đầu, áo, quần. Nhìn chung, trang phục này cơ bản giống với trang phục nam của các dân tộc Tày, Nùng, Lô Lô, Sán Chỉ... Tất cả đều được làm từ chất liệu vải chàm, có kiểu cách, màu sắc đơn giản.

IMG 9160
Trang phục nam giới của người Dao Đỏ có màu sắc khá đơn giản

Kỹ thuật thêu hoa văn và phối màu tinh tế, trau chuốt đến từng chi tiết, màu sắc trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ đều phụ thuộc vào bàn tay khéo léo, tài hoa, điêu luyện và óc thẩm mỹ, tinh tế của người thêu. Chính vì vậy “Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng” đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 235/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 14 tháng 02 năm 2023.

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, các loại vải công nghiệp ra đời và chiếm vị trí ưu thế trên thị trường. Đòi hỏi cần nâng cao công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc trong trang phục truyền thống phụ nữ Dao Đỏ Cao Bằng. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Một số hình ảnh đặc sắc về trang phục của người Dao Đỏ:

z4371384899029 3b52ba19b138534fe0bb190ec6b436e8
Những họa tiết thêu thùa độc đáo trên trang phục của cô dâu Dao Đỏ
tặng hoa
Trang phục của bé trai, bé gái Dao Đỏ

 

Tác giả bài viết: Xuân Quỳnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây