Bánh trứng kiến là một loại bánh dân dã và quen thuộc của người Cao Bằng. Người Tày gọi loại bánh này là “pẻng rày”. Trứng kiến làm được rất nhiều món như: xôi trứng kiến, chả trứng kiến, trứng kiến xào thịt, canh trứng kiến, cháo trứng kiến... Khoảng từ tháng ba đến tháng bảy âm lịch là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến rừng. Trứng kiến lớn bằng hạt gạo, thân mẩy và tròn được mang về để chế biến thành nhân bánh. Mùa trứng kiến cũng trùng với ngày tết Thanh minh, nên bánh trứng kiến được một số gia đình người dân tộc Cao Bằng làm trong ngày tết Thanh minh.
Việc tìm nhộng kiến khá vất vả vì phải lên rừng, trèo lên thân cây to hoặc bụi cây rậm để lấy tổ kiến. Để tìm được một tổ kiến ngon và nhiều chất dinh dưỡng phải lựa chọn tổ có lớp màng trắng liên kết các lá bọc bên ngoài. Trứng kiến càng trắng mọng sữa thì làm bánh càng ngon và béo ngậy. Đúng như tên gọi, nguyên liệu chính của bánh trứng kiến gồm: trứng kiến non, bột gạo nếp nương và lá vả. Cách làm không quá cầu kỳ, nhưng muốn bánh được ngon cần phải có sự khéo léo, đặc biệt là chọn được trứng kiến ngon.
Trứng kiến sau khi làm sạch được cho vào chảo phi với hành khô. Một chiếc bánh ngon phải có nhân là trứng kiến nguyên chất, hành phi, thêm chút mỡ và muối, không trộn thêm các nguyên liệu khác. Tuy nhiên, để thêm hương vị và tùy khẩu vị của từng người, người làm có thể cho thêm thịt lợn xay, lạc rang giã nhỏ làm nhân và một ít lá kiệu thái nhỏ tạo vị đậm đà cho bánh. Phần bánh được làm từ hạt nếp nương to và dẻo, đãi sạch và ngâm nước qua đêm, xay thành bột. Bột ráo nước, dẻo dính đủ độ đem trộn với chút muối. Đặt lá vả vào mẹt, sau đó dát mỏng bột vừa phải. Tiếp đến là cho phần nhân trứng kiến rải đều lên mặt miếng bột, rồi cho tiếp bột nếp, lá vả thêm lần nữa. Ép nhẹ nhàng cho mặt bánh phẳng đều, rồi xếp vào nồi hấp cách thủy khoảng 30 phút là bánh chín.
Vì được gói bằng lá vả non nên khi ăn có thể ăn được cả lá gói bánh. Bánh trứng kiến khi thưởng thức dù nóng hay nguội sẽ mang lại nhiều cảm nhận khác nhau. Có vị béo ngậy của nhộng kiến, vị dẻo của bột nếp, vị ngai ngái của lá vả. Tất cả hòa quyện làm nên vị đặc trưng vừa lạ, vừa hấp dẫn. Lưu ý nhỏ là những người không ăn được nhộng ong có thể bị dị ứng.
Bánh trứng kiến độc đáo và gây tò mò với bất cứ ai bởi cái tên và nguyên liệu đặc biệt. Mỗi người con Cao Bằng đều rất tự hào với những đặc sản quê hương. Bánh trứng kiến luôn là món quà quê hương dành tặng du khách khi đến với Cao Bằng vào dịp tháng 3 âm lịch hằng năm.
Tác giả bài viết: Hồng Diễm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn