Những năm 60 của thế kỷ XX trở về trước đó, khi Tết đến, xuân về, đi đến đâu cũng được nghe tiếng gọi trìu mến thân thương “em ơi”, “anh hỡi” của Lượn then, tiếng Then tính rộn ràng, giọng ca mượt mà Dá Hai, lời ru ngọt ngào cho trẻ thơ ngủ trên nôi kẽo kẹt giữa trưa hè. Tất cả đã tạo nên một bức tranh thủy mặc sinh động tuyệt vời của miền quê êm ả, thanh bình.
Dân ca bắt nguồn từ lao động, sản xuất của người nông dân lam lũ quê tôi và gắn liền với từng dân tộc; mỗi dân tộc đều sản sinh ra dân ca đặc trưng riêng cho mình, nên loại hình này càng đa dạng, phong phú.
Trước tiên, chúng ta hãy đến với dân ca hát Then - Đàn tính (gọi tắt là Then tính). Đây là thể loại dân ca của dân tộc Tày nổi danh, có sức sống mãnh liệt trường tồn, là trung tâm đặc sản vùng Then giàng (Then nam) của miền Đông. Then tính xuất hiện từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được thời điểm sinh ra nó. Quá trình hình thành và phát triển, Then tính ngày càng trưởng thành về chất và nghệ thuật diễn xướng, đặc biệt, trải qua một thời đoạn lịch sử đáng trân trọng và đánh dấu bước ngoặt tiến bộ vượt bậc về môn nghệ thuật này, làm xuất hiện hai dòng Then tính nữ và nam, đó là thời Nhà Mạc vào cuối thế kỷ XVI dời triều lên Cao Bằng, trị vì hiện hữu gần 100 năm (1594 - 1677).
Trong trình diễn, nghệ nhân hát Then không bao giờ tách rời đàn tính, nếu thiếu một trong hai yếu tố đó đều không thể gọi là Then tính. Cây đàn tính cũng thể hiện sự khác nhau giữa hai dòng then. Người Tày có câu: "Tính pựt tính slam slai/Tính slong slai tính giàng", nghĩa là: Tính bụt là tính ba dây, tính hai dây là tính giàng. Toàn bộ cây đàn toát lên vẻ giản dị, thanh cao mà âm thanh của nó khi ngân lên làm đắm say lòng người.
Đến khi triều Mạc tan rã, cây đàn tính ba dây theo Tư thiên quản nhạc - Trạng nguyên Bế Văn Phụng, ông tổ sáng lập ra dòng Then nữ cùng các nghệ nhân nữ trở về vùng quê Hòa An và các huyện miền Tây; còn nghệ nhân nam cùng cây đàn tính hai dây theo "Vua Ca đáng" tài hoa Nông Quỳnh Văn, người lập nên dòng Then nam về xứ sở quê hương Trùng Khánh và các huyện miền Đông.
Theo cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, ở đây, chúng ta có thể nghiệm sinh một vấn đề: rằng, Then tính có hai lối đi về giữa dân gian và cung đình: từ dân gian đi vào cung đình và được nâng cao lên về âm nhạc, nghệ thuật diễn xướng. Sau đó, từ cung đình trở lại dân gian - chiếc nôi sinh ra nó và được dân gian hóa. Dường như chẳng nơi nào có được hai dòng Then như Cao Bằng.
Đặc biệt, chất liệu nghệ thuật Then tính đã phát triển ở mức cao. Then tính miền Tây dịu ngọt, mềm mại, dung dị như người thiếu nữ dung nhan “nghiêng nước, nghiêng thành”. Đối lại, Then tính miền Đông cất lên mạnh mẽ, trải lòng miên man, giai nhịp rộn ràng, khúc tứ như chàng trai tuấn tú tài ba, hào phóng. Thật là “nam thanh,” “nữ tú” như biểu trưng riêng của Then tính hai miền, nhưng khi kết hợp lại thì thành chỉnh thể đủ đầy, hoàn mỹ, khiến người ta linh cảm về một miền then gốc. Then tính miền Đông có 7 làn điệu: Tàng bốc - Tàng cảnh, Tàng bốc - Pây mạ, Tàng nặm - Khảm hải (Pây ẻn, Hỉn ẻn), Thỏng hương, Giáp ba, Hả liệu, Khảm khắc.
Người dân quê tôi ai cũng tự hào về Then giàng và luôn trân trọng các bậc nghệ nhân tài hoa như cụ cố Hoàng Hưng, giàng Tín, Nghệ nhân Ưu tú Lê Quang Tăng, Nghệ nhân Ưu tú Nông Minh Nhất...
Lượn Then, là loại hình dân ca phản ánh tập quán, tín ngưỡng, cuộc sống sinh hoạt, tâm tư, nguyện vọng của con người, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, nhưng nổi bật nhất đây là hình thức hát giao duyên của người Tày. Lượn Then có cấu trúc thành hai thể loại: lượn và hát xen kẽ, hòa quyện với nhau thật sinh động. Lượn Then là pho thi lượn đồ sộ dày trang, phân bố khắp toàn huyện Trùng Khánh, thậm chí cả người Nùng và các dân tộc khác cũng rất tâm đắc, say sưa với thể loại dân ca này.
Dá Hai là đặc sản của Trùng Khánh và miền Đông vì giá trị nghệ thuật của nó và hầu như trong tỉnh cũng như cả vùng Đông Bắc nước ta không thấy xuất hiện loại hình này. Đây là dân ca dân tộc Nùng. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, cùng với phong trào ca hát quần chúng nở rộ như hoa mùa xuân, đã xuất hiện nhiều đội tuồng Dá Hai của nhân dân như: Đội tuồng Dá Hai Giảng Gà, xã Đình Phong; Đội tuồng Dá Hai Phja Hồng, xã Khâm Thành; Đội tuồng Dá Hai xã Thông Huề của huyện Trùng Khánh.
Các đội này đã đủ sức đi lưu diễn nhiều nơi ở địa phương và trong tỉnh. Với 6 làn điệu chủ yếu cùng các nhạc cụ: nhị bố giọng trầm ấm áp, nhị mẹ giọng thanh cao, chũm chọe, sáo trúc, trống gõ nhịp hòa tấu; Dá Hai có thể biểu đạt một cách sinh động, sắc nét nhiều nội dung, chủ đề, tình tiết khác nhau trong xã hội.
Đồng thời, diễn xướng các tích truyện cổ một cách rất thành công. Giai điệu Dá Hai uyển chuyển, mềm mại, ngọt ngào, lắng sâu cảm hóa lòng người. Vì thế, Dá Hai trở thành tài sản chung, người Tày và các dân tộc khác cũng rất thích hát xướng. Quá trình hình thành và phát triển đã xuất hiện nhiều gương mặt nghệ nhân điển hình như Nghệ nhân Nhân dân Chung Văn Hần, Trương Minh Ngọc.
Lượn Phủ, thường quen gọi là Hà Lều, dựa theo vần cuối câu có vĩ thanh kéo dài: hà lều, hêu đai, hà đới. Thể lượn này vốn là của người Nùng Lòi. Lượn Phủ hát đôi, mỗi bên hai nam, hai nữ. Nội dung của Lượn Phủ là hát giao duyên giữa thanh niên nam nữ, phản ánh cuộc sống sinh hoạt của người Nùng, khi gặp nhau tại chợ phiên, trong lễ hội, hoặc đi đường gặp bạn bè khác giới là có thể lên tiếng. Khi một mình, họ cũng cất tiếng lượn bởi tức cảnh hoặc bộc bạch tâm tư cho vơi đi nỗi nhớ người yêu, kiểu hát ấy gọi là hát một vế, không cần ai đối đáp.
Sli Giang, bản thân tên gọi đã cho ta thấy, làn điệu này là của người Nùng Giang. Sli Giang chủ yếu hát đối đáp, giao duyên giữa thanh niên nam nữ, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, cuộc sống mới tươi đẹp ấm no, hạnh phúc. Không gian diễn xướng khoáng đạt, họ hát ở nhiều nơi, tại chợ phiên, lễ hội xuân, trong lao động, sản xuất, mừng nhà mới... Khi gặp nhau, bên nam hoặc bên nữ cất tiếng hát sli mời và cứ thế họ hát giao duyên với nhau không muốn rời xa. Kết thúc cuộc sli họ hát giã bạn, hẹn gặp lại nhau với tình cảm nồng nàn, da diết.
Phong Slư của người Tày được hiểu theo nghĩa là một bức thư tình viết theo thể thơ thất ngôn trường thiên bằng tiếng Tày và đôi câu Hán Tự, Hán Nôm có lẫn với cả Nôm Tày. Những bức thư tình ấy là nỗi niềm suy tư thầm kín, sâu lắng từ đáy lòng của các chàng trai, cô gái. Tình yêu của họ dạt dào như nước suối nguồn, ngày đêm thương nhớ nhưng lại ít có điều kiện được ở gần nhau để lượn hát tâm tình, vì thế, Phong Slư là phương tiện chuyển tải nội dung tình yêu lứa đôi, là người bạn áp má, kề gối của họ.
Trang thư đầu hay cuối đều có câu “vàn én” nghĩa là nhờ én chuyển thư đến người thương. Phong Slư là thể hát ngâm, dùng để hát tâm tình của các chàng trai, cô gái mỗi khi có dịp gặp nhau, hoặc hát tự sự một mình trong tâm trạng giải khuây nỗi mong nhớ người thương.
Hát ru ứ nọng nòn, vén nọng nèn; “nòn” hay “nèn” đều đồng nghĩa là ngủ, nhưng “nèn” biểu hiện sự trìu mến, thân thương, ngôn ngữ phù hợp với tính cách ngộ nghĩnh, trong trẻo của trẻ thơ. Đây là thể loại dân ca phổ biến của dân tộc Tày, Nùng trên phạm vi toàn huyện. Nội dung các bài hát ru cơ bản giống nhau, nhưng giai điệu, cách hát của mỗi miền quê có sự khác nhau đã làm cho hát ru thêm phong phú, sinh động. Cùng với các làn điệu trên, quê tôi còn có đồng dao của người Tày - Nùng, hát quan lang và Phuối Rọi.
Dân ca của Trùng Khánh là kho báu lớn quý giá của ông cha chúng ta để lại, là nhu cầu tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội, nguồn cảm hứng sáng tạo của các nhạc sĩ, nghệ sĩ. Mới gọi là khơi nguồn, mà dân ca các dân tộc huyện nhà đã êm đềm chảy về như dòng Quây Sơn, không sao diễn đạt trọn vẹn bằng lời. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, dân ca đang có xu hướng mai một nhanh, đòi hỏi mỗi người cần nêu cao ý thức gìn giữ và phát huy; làm cho dân ca mãi trường tồn với thời gian, hữu ích cho đời.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn