Du lịch Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020 đạt được nhiều kết quả tích cực, dần khẳng định vị thế trong cơ cấu ngành của tỉnh. Nhiều dự án du lịch, khu du lịch dần định hình quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại, hợp tác khai thác du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhận thức và hành động của các cấp, ngành, cộng đồng về vai trò của kinh tế du lịch cũng như trách nhiệm với du lịch chuyển biến rõ rệt. Các thông tin xúc tiến du lịch được thực hiện đồng bộ, được quảng bá rõ nét, để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách. Các tuyến, điểm du lịch được quan tâm đầu tư khai thác, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Khách du lịch đến Cao Bằng năm 2019 đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng 25,8% so với năm 2018; doanh thu trên 480 tỷ đồng, tăng trưởng du lịch đạt 31%. Tỷ trọng du lịch ước chiếm 2,68% tổng GDP toàn tỉnh, ước đạt 89,33% so với mục tiêu.
Trong năm 2019, tỉnh phối hợp với tổ chức UNESCO tổ chức Hội thảo quốc tế về "Phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐC Toàn cầu UNESCO" tỉnh Cao Bằng. Tổ chức triển khai được 6 lớp tuyên truyền và tập huấn nâng cao nhận thức về CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Báo Cao Bằng thực hiện trên 1.000 tin, bài, ảnh phản ánh về hoạt động thông tin đối ngoại và CVĐC Toàn cầu UNESCO. Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng thực hiện 48 chuyên mục tuyên truyền về công tác thông tin đối ngoại; 44 chuyên mục quảng bá hình ảnh du lịch non nước Cao Bằng trên sóng phát thanh, truyền hình và sản xuất các chương trình chuyển tải trên Cụm thông tin đối ngoại thác Bản Giốc, biên tập, biên dịch bằng 4 thứ tiếng (Kinh, Tày - Nùng, Mông, Dao).
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức về du lịch, nguồn lực đầu tư cho du lịch còn thiếu, chưa tương xứng với nhu cầu; hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu du lịch thiếu chiến lược lâu dài và hiệu quả; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; phần lớn các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh hoạt động quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh, khả năng nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý hạn chế; chưa có chính sách ưu tiên, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch. Một số đề án, dự án chưa được triển khai theo kế hoạch...
Giai đoạn 2020 - 2025, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển du lịch Cao Bằng tiếp tục chỉ đạo xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù để phát triển, đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Kiến nghị Trung ương bố trí nguồn vốn đầu tư cho các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, gồm: Khu du lịch thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo. Ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh, nhất là tuyến đường biên giới phục vụ hoạt động du lịch; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam...
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đề nghị, trong thời gian tới cần quan tâm thu hút các nhà đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư khai thác phát triển du lịch. Rà soát lại danh mục các dự án cần quan tâm đầu tư từ nguồn đầu tư công, nguồn kinh phí sự nghiệp; rà soát, hoàn thiện và điều chỉnh các quy hoạch về phát triển du lịch từng khu, điểm, định hướng du lịch cho các vùng, miền.
Xây dựng đề án cụ thể về phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025; xây dựng cơ chế chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; đẩy mạnh công tác đào tạo du lịch. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân trong tỉnh về việc bảo tồn, phát huy các giá trị trong CVĐC toàn cầu.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn