Người dân huyện Bảo Lạc chọn mua các mặt hàng thổ cẩm. |
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lạc Nông Toàn Thắng cho biết: Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, huyện đã tuyên truyền đến nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tham mưu cho huyện khôi phục, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của các DTTS thông qua việc tổ chức, khôi phục những lễ hội truyền thống; bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo tồn, khôi phục những làn điệu dân ca của địa phương.
Huyện đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tập trung khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS thông qua việc tổ chức các lễ hội: Lồng tồng, Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc và chợ tình Phong lưu, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô, Ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Mông…
Đặc biệt, huyện đã xây dựng và thực hiện Dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tiêu biểu tộc người Lô Lô gắn với phát triển du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030" nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của loại hình du lịch cộng đồng dân tộc Lô Lô trên địa bàn huyện và cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, tiếp tục khai thác và bảo tồn những tiềm năng du lịch của huyện, từng bước nâng cao đời sống của người dân, tạo ra những sản phẩm mới về du lịch của huyện Bảo Lạc, góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đến nay, chợ tình Phong lưu huyện Bảo Lạc vẫn duy trì và giữ được đầy đủ những nét đặc trưng vốn có từ trang phục đến đồ dùng của các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ... Từ sản phẩm dệt của dân tộc Tày, Nùng đến các loại đặc sản, dược liệu, như: hà thủ ô đỏ, hoàng tinh, măng bào, thịt lợn chua, thịt lợn đen xông khói, gạo nếp thơm của những vùng đất nổi tiếng Đồng Mu, Khánh Xuân, gạo nếp nương của dân tộc Sán Chỉ; các loại bánh khảo nhân “tàu xá”, bánh cao lù, cao bông…, được làm thủ công từ những nguyên liệu quý của địa phương luôn tạo sự hấp dẫn đối với du khách.
Việc khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc được các cấp, ngành quan tâm, chú trọng. Trang phục truyền thống nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lạc rất phong phú, đa dạng. Ngày nay, trang phục của người Tày, Nùng, Mông, Dao… vẫn được người dân sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày và trong các dịp lễ, Tết. Những bộ trang phục tuy giản dị nhưng rất đẹp, mang sắc thái riêng của huyện Bảo Lạc, như trang phục người Sán Chỉ, Lô Lô đen...
Hằng năm, các lễ hội lồng tồng đầu xuân được khôi phục và tổ chức ở hầu hết các xã trong huyện. Ngoài ra còn có một số lễ hội như quét đồng (quét tổng), xuất hành ở xã Xuân Trường… Các hoạt động, nghi lễ dâng hương tại chùa, cày ruộng, vãi thóc giống và hoạt động văn hóa vui chơi, thi gói bánh chưng, thi mâm ngũ quả đẹp; các trò chơi dân gian kéo co, tung còn, đẩy gậy, giao hữu bóng chuyền… tại các lễ hội đã góp phần tạo không khí vui xuân, đón Tết cho nhân dân các dân tộc trong huyện.
Để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, thời gian tới, huyện Bảo Lạc tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện bằng nhiều hình thức. Tiếp tục phục dựng các lễ hội truyền thống, đẩy mạnh công tác sưu tầm; tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trang phục của một số DTTS có nguy cơ mai một, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn