Nghề làm hương đã có từ lâu đời gắn liền với quá trình hình thành xóm làng, ruộng đồng và cuộc sống sinh hoạt của người dân. Theo bà Sầm Thị Sấn (65 tuổi) xóm Nà Kéo cho biết, nghề làm Hương thảo mộc bằng phương pháp thủ công đã có hàng trăm năm nay, không chỉ người già mà cả trẻ em đều biết làm.
Hương thảo mộc Nà Kéo
Để tạo được một que hương thành phẩm cần phải có bột trộn, bột mặt và que hương. Bột trộn với thành phần là gỗ mục, lá keo (Bâư Kiu) mọc dại trên núi cao và nước sạch. Gỗ mục và lá keo được phơi khô, giã tay hoặc nghiền bằng máy thành bột mịn sau đó đổ vào chậu nước đun sôi và quấy đều tay trong khoảng 1 tiếng đồng hồ tạo thành hỗn hợp bột dẻo và dính, có mùi thơm đặc trưng của lá keo. Bột mặt là lớp bột khô bao phủ ngoài thẻ hương được làm từ mùn cưa của cây gỗ nghiến hoặc gỗ mít nghiền mịn. Que hương được làm từ thân cây mai, người dân thường chọn cây mai thẳng có gióng dài, không bị sâu hoặc cụt ngọn, sau khi chặt thành khúc tầm 40cm và chẻ nhỏ sẽ được đem ngâm dưới nước khoảng 10 ngày vớt lên và phơi khô là có thể dùng được, chân hương được nhuộm màu hồng hoặc tím bằng phẩm màu.
Công đoạn se hương
Sau khi có đầy đủ nguyên liệu sẽ tiến hành se hương theo quy trình, đây là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo tỉ mỉ của người làm để tạo ra que hương đẹp. Bột trộn được quấn vào que hương rồi lăn qua bột mặt, sau đó lăn qua vạn gỗ rồi đem phơi ngang trên ván gỗ hoặc phơi dọc trên giá. Công đoạn quấn hương ở Nà Kéo khác với một số làng hương khác ở chỗ không nhúng que hương vào nước keo rồi tẩm với hỗn hợp bột khô. Hương được phơi khô sẽ được người dân đem bán ở các phiên chợ xã, chợ huyện Hà Quảng, Hòa An và các vùng lân cận.
Với nguyên liệu tự nhiên và cách làm thủ công rất cầu kỳ nên hương ở làng Nà Kéo có nét đặc trưng so với những nơi khác, que hương cháy đều đến tận chân hương mà không bị tắt, hầu như không để lại quá nhiều tàn hương như những loại khác, tỏa mùi thơm dịu nhẹ, dễ chịu chứ không thơm nồng và rất an toàn cho sức khỏe con người.
Phơi khô thẻ hương
Từ làm Hương thảo mộc, người dân Nà Kéo có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế phát triển, hiện có 29/32 hộ vẫn duy trì làm nghề truyền thống. Không chỉ là sản phẩm phục vụ nhu cầu tâm linh mang lại thu nhập cho gia đình mà với người dân bản địa, nghề làm Hương còn chứa đựng tâm huyết, tình cảm, niềm đam mê của nhiều thế hệ và càng tự hào hơn vào ngày 16/1/2020, UBND huyện Hà Quảng tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận Làng nghề làm Hương thảo mộc Nà Kéo, xã Trường Hà (Hà Quảng) là Làng nghề truyền thống.
Cùng với Khu di tích lịch sử Kim Đồng và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, làng nghề làm Hương thảo mộc Nà Kéo sẽ là điểm đến thú vị cho du khách. Đặc biệt, khách tham quan còn được tự tay làm ra những que hương theo phương pháp thủ công sẽ là một trải nghiệm thú vị và khó quên với những ai đến với xóm núi yên bình này.
Tác giả bài viết: Lương Hằng - TTVH&TTDL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn