Đối với những người phụ nữ Mông xã Quốc Phong, chiếc "tư se" trong các bộ trang phục chính là vật dụng để phân biệt dân tộc Mông nơi đây với dân tộc Mông đang sinh sống ở địa phương khác. "Tư se" trong tiếng Mông nghĩa là đai thắt bụng. Chiếc đai chính là điểm nhấn của bộ trang phục, là vật dụng đánh giá sự khéo léo của các cô gái Mông.
Chị Hoàng Thị Xá (35 tuổi), xóm Lũng Đắc, xã Quốc Phong chia sẻ: Mỗi người phụ nữ Mông có cách sáng tạo họa tiết riêng trên các bộ trang phục của mình theo cách khác nhau, nhưng chiếc "tư se" luôn có các họa tiết cơ bản, được thế hệ trước truyền lại. Đây là vật dụng để người Mông phân biệt nơi sinh sống của mình. Phụ nữ Mông khi lên 10 tuổi đã bắt đầu học cách thêu thùa các hoa văn trên bộ trang phục, trước tiên chính là chiếc "tư se".
Chiếc "tư se" được làm thủ công bằng vải lanh, có độ bền cao. Để tạo ra miếng vải lanh, trước kia người Mông thường trồng cây lanh và thu hoạch từ tháng 3 - 7. Thông thường, bó lanh cắt về đem phơi nắng khoảng 1 - 2 tuần rồi tước sợi, sau đó đưa vào cối giã mềm và nối lại. Lanh cuốn thành từng cuộn tròn và mang đi giặt, luộc cho tới khi sợi lanh mềm, trắng thì mang phơi rồi guồng chia sợi trước khi mắc vào khung cửi để dệt nên những tấm vải thật đẹp. Sau khi dệt thành tấm vải lớn, vải lanh được chia cắt thành từng phần của bộ trang phục và khâu thủ công. Năm 2012, sau khi hạ sơn định canh định cư, người Mông nơi đây chuyển đổi từ trồng lanh sang trồng các cây nông nghiệp, vì vậy vải lanh cũng được người dân mua sẵn ngoài chợ.
Chiếc "tư se" của người Mông xã Quốc Phong gồm 3 phần. Phần thứ nhất gọi là "pàn tau". "Pàn tau" nghĩa là phần vải được cắt thành dải quấn quanh bụng, phần vải này thường làm dư ra đủ để quấn 2 vòng quanh người. Thông thường, một chiếc "pàn tau" của người phụ nữ Mông trưởng thành gồm có 6 miếng vuông ghép lại. Người Mông quan niệm rằng, khi chiếc đai lưng quấn quanh bụng mà rộng, nghĩa là nhà đó sẽ dư dả, không thiếu thốn trong việc ăn mặc. Mặt khác, trên phương diện thẩm mỹ thì chiếc đai lưng quấn hai vòng sẽ giúp cho người phụ nữ Mông có vòng eo trông thon gọn và bắt mắt hơn.
Phần thứ hai gọi là "thò". "Thò" là phần vải được cắt thành miếng lớn, dùng để che trước váy. Họa tiết trên những chiếc "thò" được người phụ nữ Mông tự sáng tạo, thường là họa tiết hoa lá, cây cỏ, chim muông... Phụ nữ Mông có khéo léo hay không chính là phụ thuộc vào phần họa tiết trên chiếc "thò". Đây cũng điểm nhấn bắt mắt nhất trên bộ trang phục. Thông thường, các chiếc "thò" sẽ được tạo họa tiết giống với chiếc mũ đội trên đầu.
Phần cuối cùng tạo nên chiếc "tư se" cũng là phần quan trọng nhất, đó là các họa tiết được thêu tỉ mỉ trên chiếc đai lưng. Các họa tiết này có tên gọi riêng, có cấu trúc riêng và làm theo đúng quy trình. Họa tiết thứ nhất chính là "chi", "chi" dịch ra nghĩa là cây cỏ, phải khâu bằng chỉ xanh thành từng miếng vuông nhỏ, có hình chiếc lá hoặc bông hoa. Họa tiết thứ hai là "xé", "xé" có nghĩa là ngọn núi, thường được thêu thành những đường dích dắc và khâu thành các đường dài.
Đem "chi" ghép lại trên các ô hình vuông tạo nên nét riêng ở chiếc "pàn tau", còn "xé" là các họa tiết cơ bản khâu trên chiếc "thò". Hai họa tiết này được làm thủ công và bắt buộc phải có trên chiếc "tư se". Sự kết hợp hài hòa, khéo léo trong bộ trang phục của người Mông đã tạo nên cho họ một sắc thái khỏe khoắn, bền bỉ làm bừng lên sức sống mãnh liệt.
Chiếc “tư se” của người Mông, xã Quốc Phong (Quảng Uyên). |
Hiện nay, người Mông ở Quốc Phong vẫn sử dụng trang phục truyền thống, nhưng chỉ mặc chủ yếu trong các dịp lễ, Tết hay gia đình có việc, còn trong sinh hoạt hằng ngày chỉ còn những phụ nữ cao tuổi sử dụng. Mỗi bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông chính là một tác phẩm nghệ thuật bởi sự cầu kỳ, công phu, tỉ mỉ trong từng hoa văn không chỉ đơn thuần thể hiện sự tinh tế, khiếu thẩm mỹ mà còn là nét tâm linh truyền thống của dân tộc Mông có từ xa xưa.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn