Các mâm cỗ trong Lễ hội “Lồng tồng” tùy theo cách thức tổ chức ở mỗi địa phương mà nhân dân chuẩn bị. Có Lễ hội “Lồng tồng” cả xã chỉ dâng một mâm cỗ chung gọi là mâm cỗ “cái”do Ban tổ chức lễ hội chuẩn bị, gồm: lợn quay, gà luộc, xôi ngũ sắc, bánh chưng, bánh dày, chè lam... và nhiều cành hoa, trái cây làm bằng giấy với màu sắc sặc sỡ, tượng trưng cho cây vàng, cây bạc. Mâm cỗ “cái” được đặt chính giữa những mâm cỗ của các thôn, bản. Hoặc cũng có địa phương tổ chức Lễ hội “Lồng tồng” với rất nhiều mâm cỗ để dâng lễ, mỗi mâm cỗ đại diện cho một dòng họ trong xã. Mâm cỗ đều không thể thiếu thủ lợn, bát hương, đĩa xôi, chén, đũa và các loại bánh đặc sản của địa phương.
Tại một số Lễ hội “Lồng lồng” có quy mô nhỏ hơn của một xóm hoặc nhiều xóm liền kề nhau cùng tổ chức thì mỗi xóm sẽ tự chuẩn bị một mâm cỗ làm lễ. Như tại Lễ hội “Lồng tồng” xóm Bản Bang trên và Bản Bang dưới, xã Lý Quốc (Hạ Lang) được tổ chức vào ngày mùng 3 Tết hằng năm. Hơn 100 hộ dân 2 xóm tự chuẩn bị mâm cỗ của gia đình hoặc theo dòng họ. Trước khi ra ngoài cánh đồng tổ chức lễ hội sẽ cùng mang mâm cỗ dâng lên miếu Thổ công, Thành hoàng, thể hiện sự biết ơn đối với vị thần cai quản ruộng đồng, gia súc, gia cầm, mang lại may mắn, mùa màng tốt tươi, cuộc sống bình an, ấm no cho bà con. Mâm lễ được xếp theo dòng họ.
Những lễ vật đều từ cây trồng, vật nuôi mà người dân tự sản xuất bằng đôi bàn tay khéo léo đã chế biến thành nhiều món ăn phong phú, như: gà luộc, ba chỉ rán, cá rán, bánh chưng, bánh khảo… Sau khi làm lễ tại miếu Thổ công, bà con cùng nhau mang lễ ra cánh đồng dưới chân núi “Phja Rấn” (có nghĩa là núi thần), nơi diễn ra lễ hội. Bà con luôn tin rằng sau khi làm lễ “lồng tồng” tại đây, Thần núi sẽ mang lại may mắn trong lao động, sản xuất cho bà con.
Những năm gần đây, đời sống kinh tế ngày càng khấm khá nên mâm cỗ trong Lễ hội “Lồng tồng” cũng có sự thay đổi. Trên mâm cỗ không chỉ có những sản vật của địa phương mà còn được bày biện thêm nhiều món ăn hiện đại, trang trí cầu kỳ. Tuy nhiên, cách thức dâng lễ và làm lễ vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Khi cỗ được bày xong, một người có uy tín đứng ra chủ trì thực hiện phần lễ cầu cúng, cầu mong đất trời, thần linh phù hộ cho bản làng. Phần cúng lễ diễn ra trong một thời gian ngắn, còn dành thời gian cho phần hội. Sau khi phần lễ kết thúc, tất cả người dân ở các thôn, bản và khách thập phương đều có thể đến các mâm lễ thắp hương, cầu khấn may mắn đến với bản thân và gia đình trong năm mới.
Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, trên địa bàn tỉnh lại có hằng trăm Lễ hội “Lồng tồng” quy mô lớn, nhỏ khác nhau nhưng các mâm lễ trong hội đều được nhân dân chuẩn bị chu đáo, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn của người dân đối với các vị thần linh, thổ địa, thành hoàng và những người có công khai phá vùng đất lập thôn, lập bản… đã phù hộ cho họ một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, bình an và hạnh phúc.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn