Từ đầu tháng Giêng đến nay, các hội Xuân truyền thống trên địa bàn tỉnh liên tiếp được tổ chức, đáp ứng nhu cầu du xuân, trẩy hội, cầu mùa, cầu tài lộc của nhân dân.
Là món ăn nổi tiếng nhất trong văn hóa ẩm thực nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc, lợn quay mác mật không chỉ sử dụng trong các bữa ăn gia đình, mà còn được sử dụng trong nhiều tập tục văn hóa truyền thống, trong những dịp quan trọng như: Tết Thanh minh, lễ hội truyền thống và sự kiện quan trọng…
Trung bình, một lễ hội xuân ở Cao Bằng có ít nhất từ 2 cửa hàng bán lợn quay trở lên. Đặc biệt, tại Lễ hội Tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa còn được bà con, du khách gọi là “lễ hội lợn quay”. Trên đường vào hội, sau những chiếc sạp lớn san sát, người bán hàng luôn tay cắt những tảng thịt có lớp da vàng ruộm. Hương thơm của thịt quay quyện với các loại gia vị nức cả một góc chợ. Người đi hội không thể không sà vào mua vài miếng, vừa thưởng thức vừa tận hưởng không khí lễ hội.
Chị Nông Thị Huyên (thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa) cho biết: Nhân dân thị trấn Quảng Uyên có truyền thống quay lợn những dịp lễ, tết quan trọng của gia đình, đặc biệt là hội Xuân. Trước đây, cứ đến Lễ hội Tranh đầu pháo, nhà nào cũng đều quay một con lợn để tiếp đãi khách. Bây giờ, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND huyện tổ chức hội với quy mô lớn hơn, nhân dân, du khách thập phương đến dự hội nhiều hơn, các hàng bày bán lợn quay lên đến hàng trăm hộ.
Sau khi sơ chế thì con lợn sẽ được tẩm ướp bằng những gia vị đặc trưng. Tất cả sẽ được bỏ vào bụng con lợn rồi khâu kín và đem quay. Vì lợn quay nguyên con với nhiều gia vị tẩm ướp bên trong nên đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật điều lửa của người thợ rất cao. Tại các hội Xuân trên địa bàn tỉnh, các hàng quán không sử dụng lò quay chuyên dụng mà phải quay bằng tay trên than củi. Bì lợn giòn rụm là nhờ công đoạn đánh màu. Mật ong rừng hòa cùng nước phết đều lên da lợn, tạo nên màu nâu đỏ óng ánh đẹp mắt, khiến ai nhìn cũng muốn thưởng thức.
Một con lợn quay mác mật được đánh giá đạt tiêu chuẩn là phải có lớp da vàng nâu cánh gián, giòn, mịn, láng bóng chứ không được phép có một vết nứt. Khi chặt ra đĩa, miếng thịt quay phải đảm bảo chắc và trắng hồng tự nhiên, dậy lên mùi thơm, hấp dẫn kích thích thực khách. Món này khi ăn kèm với vài chiếc lá mác mật sẽ khiến người thưởng thức chẳng thể quên.
Nếu đi lễ là một việc thành tâm, cầu năm mới sức khỏe, an lành cho các thành viên trong gia đình thì thưởng thức văn hóa ẩm thực ngày tết, lễ hội ở các địa phương cũng là một phần không thể thiếu.
Người Tày, Nùng ở Cao Bằng coi lợn quay mác mật là đặc sản rất đỗi tự hào. Du khách đến với Cao Bằng vào dịp nào trong năm cũng đều có thể thưởng thức món thịt lợn quay tại các nhà hàng, cửa hàng. Ăn một miếng thịt lợn quay thơm giòn beo béo để nhớ mãi hương vị rừng núi - món quà của bà con dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng.
Tác giả bài viết: An Bình
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn