Văn hóa ẩm thực truyền thống trong lễ hội Xuân

Thứ ba - 07/03/2023 15:00
Một trong những lí do khiến du khách ấn tượng, vấn vương các hội Xuân ở Cao Bằng chính là yếu tố ẩm thực. Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa tinh thần mà còn thể hiện mối quan hệ hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, trời đất.
bìa


Pẻng Phạ (bánh trời)

Loại bánh này thường xuất hiện trong dịp đón mừng năm mới của người dân tộc Tày. Ngoài ra trong các lễ hội xuân, hội xuống đồng, bà con cũng thường làm món bánh trời.

7

Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp xay mịn, nhào với nước chè mạn pha đặc để lấy màu nâu và vị chát rồi thêm một chút rượu trắng cho dậy mùi. Sau khi nào kỹ sẽ được nặn thành những viên bánh to bằng quả nhãn lồng. Bánh sau khi chao để ráo mỡ, cho vào ngập đường mía nấu tan chảy rồi vớt ra lăn ngay với bột áo làm từ gạo nếp rang chín, xay nhỏ. Bột áo trắng mịn, ôm bao lấy chiếc bánh nhưng vẫn để lộ thấp thoáng màu vàng nâu của lớp đường bám trên bánh.

Bánh pẻng phạ không chỉ là một nét truyền thống đặc sắc của người dân ở đây mà còn thể hiện sự kính trọng, nhớ ơn tổ tiên, mong muốn dâng lên trời đất những món ăn tinh quý nhất để cầu cho năm mới tốt lành.

Trứng đỏ

8

Người Tày, Nùng ở Cao Bằng quan niệm màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc, sung túc. Quả trứng tròn là biểu tượng của sự đầy đủ, vẹn toàn, viên mãn và mong muốn cuộc sống no đủ. Do đó, nhuộm trứng đỏ là một trong những tục truyền lâu đời, không thể thiếu trong dịp lễ tết; đặc biệt là trong dịp đầu xuân. Đến du lịch Cao Bằng mùa hội xuân, du khách sẽ vô cùng ấn tượng với các hàng quán bán những rổ trứng đỏ của bà con dân tộc nơi đây.

Bánh chè lam

2

Bánh chè lam là món ăn được bà con các dân tộc Cao Bằng làm trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Loại bánh này là sự kết hợp hài hòa giữa độ ngọt của mật, độ mịn, dẻo của bột nếp, thêm chút cay của gừng, bùi bùi của lạc. Khi ăn, người ta sẽ dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ. Bánh dẻo nhưng không dính, lại có mùi thơm nồng quyến rũ khiến bất cứ ai cũng muốn nán lại thật lâu để thưởng thức.

Thạch đen giòn mát

12

Thạch đen là một món ăn quen thuộc đối với người dân Cao Bằng. Không chỉ là một món ăn dân dã và bình dị mà thạch đen còn có tác dụng thanh nhiệt, nhất là trong những ngày nắng nóng.

Tại các hội xuân, thạch đen thường được bày bán ăn luôn hoặc ăn cùng chè đỗ giúp giải nhiệt thanh mát. Bên cạnh đó, du khách có thể mua các hộp thạch đã được đóng sẵn để mang về làm quà cho người thân, bạn bè.

Bánh rán

6

Bánh rán là món ăn vặt quen thuộc với người Cao Bằng. Có hai loại bánh rán: Bánh rán phồng lăn vừng và bánh rán đường. Mỗi loại bánh có vị thơm ngon đặc trưng hấp dẫn riêng. Trước đây, khi chưa có nhiều loại quà bánh, món bánh rán được bán khắp các chợ, là món quà vặt đông khách nhất. Đây cũng là món bánh có ở nhiều hội xuân Cao Bằng.

Bánh hồ lô

13

Bánh hồ lô làm từ bột gạo nếp và đường phên. Bánh có nhiều loại: hồ lô thường, hồ lô ngải cứu, hồ lô gấc… Làm bánh hồ lô ngải cứu thêm công đoạn chần lá ngải qua nước sôi, giã nát và vắt kiệt nước rồi mới trộn với bột bánh. Hồ lô gấc trộn gấc với bột bánh để tạo màu cam đẹp mắt. Người thợ thường làm bánh ngay tại hội. Cả trẻ em và người lớn đều rất thích món bánh này, không chỉ bởi hương vị ngọt ngào mà còn vì hình thù từng viên bánh tròn vàng ruộm, lạ mắt.

Lợn quay nhồi lá mác mật

10

Thịt lợn quay nhồi lá mác mật từ lâu là đặc sản truyền thống của người Tày, Nùng, đặc biệt là dịp hội Xuân. Trên đường vào hội, những người thợ nhanh tay quay lợn, người bán hàng luôn tay cắt những tảng thịt có lớp da vàng ruộm. Hương thơm của thịt quay quyện với các loại gia vị quyến rũ biết bao thực khách.

Cao Bằng có nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, nhưng món ăn dân dã, bình dị tại các hội Xuân vẫn có sự thú vị riêng, góp phần làm cho văn hóa ẩm thực của Cao Bằng càng thêm phong phú, thu hút du khách gần xa.

Tác giả bài viết: An Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây