Trùng Khánh bảo tồn và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống

Thứ hai - 13/02/2023 23:01
Nằm trong tuyến du lịch phía đông của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Trùng Khánh còn lưu giữ nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. Huyện chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
cb

Hiện nay trên địa bàn huyện Trùng Khánh có hơn 200 đội văn nghệ quần chúng. Ảnh: Khánh Việt

Trùng Khánh được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp như danh thắng thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Bản Viết, sông Quây Sơn, sông Bắc Vọng... Nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa cùng với nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể... Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực cũng rất phong phú. Đây là những điều kiện thuận lợi góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt góp phần phát triển du lịch Trùng Khánh một cách bền vững.

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước", huyện Trùng Khánh luôn quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chú trọng thực hiện các đề án, đề tài phục dựng các làn điệu dân ca các dân tộc đang có nguy cơ bị mai một; đồng thời truyền dạy cho thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa nhân văn cao cả, đạo đức lối sống, cách ứng xử giữa con người với con người, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc và truyền thống quê hương cách mạng, làm cho văn hóa trở thành nền tảng vững chắc của xã hội.

Huyện bảo tồn các làn điệu dân ca và các lễ hội truyền thống như các lễ hội: Co Sầu, đền Hoàng Lục, Cầu mùa (Cao Thăng, Trung Phúc), Long Vương... Toàn huyện hiện nay có 10 lễ hội, 15 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia (thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, xã Đàm Thủy; địa điểm Đài tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng, thị trấn Trùng Khánh và Mắt thần núi, xã Cao Chương). Đối với di sản văn hóa phi vật thể, huyện có 7 làn điệu dân ca đặc sắc gắn với văn hóa truyền thống của dân tộc Tày và Nùng như: sli giang, dá hai, hát lượn, phong slư, hát Then đàn tính, hát hà lều và hát pảng lài, những giá trị văn hóa đó đã tạo nên đặc trưng riêng của địa phương.

Hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức các cuộc thi dân ca, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các nghệ nhân, giữa quần chúng nhân dân và các chiến sĩ nhằm phát hiện hạt nhân, nhân rộng mô hình, thành lập được một số câu lạc bộ dân ca tại xóm, nhất là các xóm đã có hoạt động văn hóa gắn với loại hình dịch vụ du lịch homestay, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của địa phương. Năm 2016, huyện thành lập Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc của huyện và thành lập 21 phân chi hội bảo tồn dân ca các dân tộc tại các xã, thị trấn. Các câu lạc bộ, các phân chi hội ở xã, xóm hoạt động rất hiệu quả, chủ động tổ chức rất nhiều hoạt động phong trào, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu dưới nhiều hình thức nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Đến nay, có trên 500 hội viên tham gia vào Chi hội Bảo tồn dân ca của huyện; có 5 câu lạc bộ dân ca, 6 câu lạc bộ dân vũ và gần 200 đội văn nghệ.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Trùng Khánh kịp thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi trong lao động, sản xuất. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số nét đẹp văn hóa trong lối sống, phong tục tập quán cùng lễ hội truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một; lực lượng nghệ nhân dân gian ngày càng ít, thế hệ trẻ không mặn mà với những giá trị văn hóa truyền thống... Đối với di sản phi vật thể, chưa tạo được cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho người làm công tác văn hóa, đặc biệt là những nghệ nhân, văn nghệ sỹ; chế độ hỗ trợ cho các nghệ nhân, nghệ sỹ trong việc sáng tác, truyền dạy, sưu tầm các giá trị di sản văn hóa còn ít, không đáng kể; công tác sưu tầm, sáng tác, truyền dạy giá trị văn hóa phi vật thể được triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu…

Đồng chí Chu Thị Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, huyện tiếp tục thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án phát triển văn hóa với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là gắn với phát triển du lịch. Tăng cường vận động, kêu gọi nguồn xã hội hóa và bố trí ngân sách cho việc trùng tu, tôn tạo nâng cấp đối với giá trị di sản văn hóa vật thể; kiểm kê và đưa vào danh mục xem xét xếp hạng di tích. Phục hồi, sưu tầm và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho các xã đặc biệt khó khăn. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về văn hóa đã được các cấp phê duyệt. Chú trọng đưa giáo dục văn hóa truyền thống vào các trường học. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn và bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống gắn với hoạt động văn hóa dân tộc trong công tác xây dựng đời sống văn hóa; thường xuyên tuyên truyền về các di sản văn hóa và công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa; quảng bá tiềm năng phát triển du lịch từ giá trị của các di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng hình ảnh tốt đẹp về vùng đất và con người Trùng Khánh.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng - baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây