Nà Gọn phát huy nghề chạm bạc truyền thống

Thứ ba - 28/02/2023 10:19
Xóm Nà Gọn, thị trấn Nguyên Bình (huyện Nguyên Bình) nằm yên bình bên dòng suối trong xanh thơ mộng, là nơi quần tụ hơn 50 nóc nhà của đồng bào Dao Đỏ. Nơi đây không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa với nhiều nét đẹp độc đáo như: lễ cấp sắc, lễ cưới, nghề thêu thổ cẩm... mà còn đang giữ gìn, bảo tồn nghề thủ công truyền thống chạm khắc bạc.
Th1
Phụ nữ Dao Đỏ xóm Nà Gọn thực hiện đun bạc thành phẩm.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, không ít giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang dần mai một. Tuy nhiên, nghề chạm bạc của đồng bào Dao Đỏ xóm Nà Gọn vẫn được bảo tồn và phát huy, bởi những nét độc đáo riêng biệt mà công nghệ hiện đại không thể làm ra được. Ở đó, những “nghệ nhân làng” với những “bàn tay vàng” bền bỉ, lặng lẽ gìn giữ và phát triển nghề chạm bạc độc đáo. Qua bàn tay tài hoa của người thợ, những chiếc xà tích, nhẫn, vòng bạc hay khuy áo, chuông bạc tinh tế tạo nên vẻ đẹp truyền thống của người Dao Đỏ.

Theo các bậc cao niên trong xóm, nghề chạm bạc gắn liền với truyền thuyết trong dân gian về con gái của Ngọc Hoàng truyền nghề cho bà con dân bản. Người Dao quan niệm, bạc đem lại sự may mắn, tài lộc và thể hiện sự giàu sang. Người nào mặc đồ có gắn nhiều trang sức bạc sẽ được “thần bạc” phù hộ cho gia đình và dòng họ, cũng như cả bản luôn may mắn, cuộc sống sung túc, bình an. Thế nên, các cặp vợ chồng trẻ khi kết hôn, của hồi môn bố mẹ dành tặng con cái bao giờ cũng là những đồng bạc trắng, hoa xòe nổi tiếng từ xưa…

Chị Bàn Mùi Lai, xóm Nà Gọn chia sẻ: Ngày tôi đi làm dâu, mẹ cho tôi mấy đồng bạc trắng để làm quà cưới khi về nhà chồng. Sau này, tôi dùng những đồng bạc ấy để làm vòng đeo cổ, đeo tay, khuyên tai và trang trí trên mũ áo của mình. Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Đỏ có gắn thêm chất liệu bạc tạo điểm nhấn, nét độc đáo, tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ.

Thanh 2 cuối
Bộ trang sức bằng bạc của phụ nữ Dao Đỏ.

Qua tìm hiểu, bộ trang sức bằng bạc của người Dao khi về nhà chồng bao gồm: vòng cổ, xà tích, cúc áo và vòng tay. Trong đó, xà tích là đồ trang sức có độ tinh xảo nhất. Để làm một bộ cúc áo cũng phải mất 4 ngày liên tục, một bộ vòng cổ, xà tích muốn hoàn chỉnh phải làm liên tục một tháng, có thể phải hơn tháng mới cho ra được bộ sản phẩm. Hiện nay, xóm còn gần 10 gia đình vẫn giữ nghề và có thu nhập ổn định từ khoảng 5 - 8 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí nguyên liệu. 

Ông Bàn Tòn Nhất, xóm Nà Gọn có hơn 20 năm theo nghề chạm khắc bạc cho biết: Khác với nhiều nghề khác, nghề chạm bạc của dân tộc Dao ở Nguyên Bình hoàn toàn làm bằng thủ công, đòi hỏi người thợ phải cầu kỳ, tỉ mỉ ở từng công đoạn, từ nung lửa đỏ, kéo bạc đến chạm khắc. Người thợ thực sự yêu nghề, đam mê và khéo léo mới có thể làm được. Ông Nhất kể: Từ khi còn bé, những tiếng lách cách chạm bạc của ông nội và bố đã bắt nguồn cho sự đam mê với nghề của tôi. Cho đến bây giờ, khi các con trai, con gái đều có thể chạm khắc bạc nhưng mỗi khi làm ra được một sản phẩm mới, tôi vẫn thấy vui trong lòng. Nghề này đòi hỏi sự công phu, tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và chút năng khiếu thì mới có thể trụ lại với nghề.

Thanh 3
Những hoa văn trên trang sức bằng bạc của người Dao Đỏ xóm Nà Gọn, thị trấn Nguyên Bình (Nguyên Bình) được làm thủ công bằng tay.

Sản phẩm bằng bạc của đồng bào Dao Đỏ ở Nà Gọn có hoa văn với họa tiết tinh tế, phân biệt thành hai mảng sáng - tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc. Đối với các sản phẩm có kích thước nhỏ, nhiều hoa văn hình chìm, hình nổi tinh xảo. Hiện nay, nhiều người Dao vẫn ưa chuộng bạc chế tác thủ công để dùng cho những ngày lễ quan trọng.

Những chi tiết, hoa văn được chạm bằng bạc nổi bật trên nền đỏ và màu chàm của bộ trang phục khiến các thiếu nữ dân tộc Dao như sáng lên lung linh giữa bản làng. Đây chính là biểu tượng và chuẩn mực cho cái đẹp của các thiếu nữ người Dao. Sự tiếp nối của kỹ nghệ chạm bạc nơi đây đã làm thăng hoa giá trị nghệ thuật của kỹ nghệ chạm bạc truyền thống. Những sản phẩm bạc không đơn thuần là vật trang trí, mà còn là sự kết tinh của tự nhiên và con người, nó hòa quyện, gắn kết với cuộc sống của đồng bào từ cổ xưa. Chính vì vậy, mỗi sản phẩm bằng bạc là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, vừa thể hiện văn hóa bản địa vừa toát lên tâm hồn, trí tuệ của người Dao qua đôi bàn tay tài hoa.

Tác giả bài viết: Lương Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây