Thác Bản Giốc được nhiều tạp chí, hãng truyền thông trên thế giới vinh danh là đệ nhất danh thác tại Việt Nam; thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và là thác nước lớn thứ 4 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia; tạp chí Touropia (2015) bình chọn là 1 trong 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới… và ngay cả đến bây giờ thác Bản Giốc vẫn luôn giữ vững được vị thế điểm đến hấp dẫn tại Việt Nam và trên thế giới.
Nằm cách thành phố Cao Bằng khoảng 89km, thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) là ngọn thác rộng khoảng 300m, gồm thác cao và thác thấp. Thác cao nằm hoàn toàn trong địa phận Việt Nam, rộng khoảng 150m, cao khoảng 30m và là thác một tầng. Thác thấp nằm giữa biên giới Việt - Trung, rộng khoảng 50m, cao khoảng 35m, gồm ba tầng, do cả Việt Nam và Trung Quốc cùng quản lý.
Nhìn từ trên cao, thác Bản Giốc như tấm lụa trắng muốt, mềm mại uốn lượn giữa sắc xanh bạt ngàn của núi rừng miền biên viễn. Đứng trước ngọn thác, du khách chỉ còn biết kinh ngạc, ngẩn ngơ choáng ngợp bởi vẻ đẹp thiên nhiên nên thơ mà hùng vĩ. Dưới chân thác là mặt sông phẳng rộng, trong xanh, hiền hòa. Những chiếc thuyền nhẹ lướt sóng đưa du khách dạo quanh dòng Quây Sơn… Chính những điều tưởng chừng đơn giản đến bình dị ấy đã tổng hòa tạo nên một bức tranh tuyệt tác nơi miền biên cương Tổ quốc.
Với vị trí nằm trên đường biên giới Việt - Trung, thác Bản Giốc vẫn luôn giữ được hình ảnh là một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện. Hiện nay, chính quyền địa phương đã đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển du lịch. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 có tốc độ lây lan nhanh chóng trên thế giới nhưng đến nay Cao Bằng vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh.
Thác Bản Giốc còn mang nhiều giá trị địa chất độc đáo. Phần trên ngọn thác là cảnh quan Karst từ trưởng thành đến già (địa hình dạng cụm đỉnh - lũng kết hợp với địa hình dạng tháp độc lập). Phía dưới ngọn thác là thung lũng đứt gãy sông Quây Sơn phát triển theo hướng TB-ĐN. Về mực nước ở thác Bản Giốc cũng tuân theo quy luật tự nhiên hai mùa: Mùa mưa và mùa khô.
Cách thác Bản Giốc không xa, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc cổ của làng đá Khuổi Ky; mê cung kỳ diệu động Ngườm Ngao; chiêm bái tại chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc; trải nghiệm văn hóa bản địa (làm việc đồng áng cùng người dân; cùng tìm hiểu văn học, nghệ thuật, kiến trúc của người Tày - Nùng), chế biến và thưởng thức những món ăn đặc sản mang hương vị núi rừng, từ đó đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt cao.
Nằm trong tuyến du lịch phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần thiên”, thác Bản Giốc là điểm nhấn của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, có tính kết nối cao với các tuyến trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng với Công viên địa chất toàn cầu trong khu vực và thế giới.
Dựa trên tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch tại Khu du lịch thác Bản Giốc, khu vực Bản Giốc chủ yếu khai thác: Cảnh quan vẻ đẹp kỳ vĩ thiên nhiên ban tặng; trải nghiệm văn hóa bản địa ở các bản làng trong khu du lịch; chú trọng phát triển du lịch biên giới gắn với chương trình du lịch biên giới giữa tỉnh Cao Bằng - Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây - Trung Quốc) sẽ triển khai đón khách du lịch hai bên vào Khu vực hợp tác khai thác chung trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) và thác Đức Thiên (Trung Quốc). Ngoài ra, Lễ hội du lịch thác Bản Giốc được tổ chức thường niên thu hút được rất đông du khách đến tham quan.
Tính đến thời điểm hiện nay, cơ sở hạ tầng tại điểm đến đã được đầu tư tương đối đồng bộ thuận lợi để phát triển du lịch, gồm: Hệ thống điện, nước, internet, đường bộ. Các cơ sở dịch vụ chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm thác, với quy mô hoạt động theo hình thức hộ gia đình nhỏ lẻ và chỉ có 1 nhà hàng của Công ty Sài Gòn Tourist trong Khu du lịch nghỉ dưỡng Sài Gòn - Bản Giốc với quy mô đón được khoảng 200 khách. Cơ sở lưu trú tại Khu du lịch thác Bản Giốc gồm: Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Bản Giốc được xây dựng theo quy mô 4 sao và các khách sạn, nhà nghỉ, homestay với quy mô nhỏ nhưng chứa đựng sự gắn kết giữa bản sắc văn hóa và cộng đồng.
Du khách đến Khu du lịch thác Bản Giốc tham quan, trải nghiệm với 45.000 vnđ/người/lượt. Bên cạnh đó, các dịch vụ bổ sung ngày càng phong phú và đa dạng, có thể kể đến như: Thu hoạch và hỗ trợ chế biến các sản vật đặc trưng của địa phương (hạt dẻ Trùng Khánh, thạch trắng Mác Púp…); chụp hình tại những cánh đồng hoa (tam giác mạch, hoa cải, hoa cúc dại…); cho thuê và bán trang phục truyền thống của các dân tộc ở Cao Bằng; cho thuê lều bạt; dạo bè ngắm cảnh quanh dòng Quây Sơn dưới chân thác; cưỡi ngựa thong dong bên bờ sông; đua thuyền Kayak; đi xe đạp…
Những năm gần đây, lượng khách đến với thác Bản Giốc liên tục tăng, năm 2015, đón 117.210 lượt khách; năm 2019 là 213.998 lượt khách; năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid giảm còn 123.352 lượt khách, tuy vậy, vẫn cao hơn tổng lượt khách năm 2015.
Đến với Thác Bản Giốc giữa đại ngàn vùng biên viễn, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp choáng ngợp của cảnh quan thiên nhiên và tìm hiểu về văn hóa bản địa các dân tộc Cao Bằng. Đây là điểm đến lý tưởng phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng hoặc picnic cuối tuần nhằm xua tan sự ngột ngạt của cuộc sống hàng ngày.
Xuân Quỳnh
Nguồn tin: Bản tin Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn