Trải nghiệm thu hoạch tổ ong Khoái ở Hoài Khao

Thứ năm - 07/10/2021 22:10
Để duy trì nghề truyền thống in váy bằng sáp ong Khoái có từ hàng trăm năm nay, các thế hệ bà con dân tộc Dao Tiền ở xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) đã bảo vệ đàn ong Khoái tại khu rừng của xóm. Hàng năm, cứ sau tiết lập Thu, bà con sẽ tổ chức lễ cúng thần rừng, thần ong để thu hoạch những tổ ong Khoái về nấu sáp.

Xóm Hoài Khao nằm trong quy hoạch Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, hiện xóm đang được đầu tư xây dựng trở thành làng du lịch cộng đồng của người Dao ở Cao Bằng. Hiện nay, đường ô tô đã mở thông đến xóm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển sản xuất, giao lưu hàng hóa cũng như thu hút khách du lịch đến tham quan, khám phá thiên nhiên và văn hóa người dân bản địa. Dân tộc Dao Tiền nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó có nghề in hoa văn trên vải bằng sáp ong.

Theo chân bà con, chúng tôi lên rừng tìm nơi ở của loài ong Khoái. Khu rừng này được bà con bảo vệ nghiêm ngặt, không được chặt cây, phá rừng, đuổi ong để lấy mật… Đến mùa ong tự bỏ đi, cả làng mới chọn ngày đẹp, mời thầy làm lễ cúng thần rừng, thần ong xin phép được thu hoạch tổ ong để nấu sáp phục vụ nghề in hoa văn trên trang phục truyền thống.
 

anh 1
Tổ ong trên vách đá cheo leo

Trên những vách đá dựng đứng như tường thành, giữa vòm hang khá rộng là nơi ong Khoái làm tổ. Tổ ong Khoái có hình elip dài màu nâu đen pha vàng rủ xuống từ vòm hang trông như những nhũ đá. Có tổ to bằng cái mâm, có tổ to hơn cái nong… treo lủng lẳng. Hàng năm, những tổ ong Khoái khổng lồ này cung cấp cho cả làng khoảng trên 100kg sáp ong - một loại nguyên liệu quý hiếm phục vụ cho đồng bào dân tộc Dao ở đây in hoa văn lên trang phục, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Lễ cúng thần rừng, thần ong được tổ chức ở cả hai hang ong Chán Vềnh và Tà Lạc. Mâm lễ gồm có ba con gà luộc, ba chén rượu, thắp một bó hương, đốt một chút giấy tiền. Sau một hồi làm lễ, những người trong nhóm thu hoạch tổ ong khoái mới bắt đầu tiến hành khai thác.

Những tổ ong treo mình trên vách núi khá cao, để có thể lấy được người dân đã tự làm những chiếc thang từ cây tre, cột chắc chắn bằng dây thừng và dây rừng cùng một chiếc sào, ở đầu sào được gắn một con dao gỗ để chọc xác tổ ong.
 

ong3
Phụ nữ đảm nhiệm công việc thu và vận chuyển tổ ong về bản

Những tổ ong được chọc rơi xuống từ vách núi khiến chúng tôi ngỡ ngàng vì chúng quá lớn, nhiều tổ có đường kính lên tới 1,5m. Có những tổ vẫn còn chút mật, đoàn du khách chúng tôi mừng rỡ khi được bà con cho thử những giọt mật thơm lừng, vàng óng còn sót lại trên vỉa tổ ong. Hương thơm của mật ong Khoái lan tỏa trong gió càng tăng thêm sức quyến rũ của vùng đất này.
 

Anh 3
Những tổ ong lớn có đường kính lên tới 1,5m

Phía dưới hang ong, chị Lý Thị Vàng nhanh tay xếp những tổ ong Khoái để vận chuyển về nhà văn hóa xóm. Chị Vàng vui vẻ cho biết: “Hôm nay là ngày thứ hai bà con xóm Hoài Khao thu hoạch tổ ong Khoái. Năm nay tổ ong bé hơn năm ngoái nhưng cả hai hang cộng lại vẫn được 59 tổ. Bà con Dao Tiền ở đây không khai thác mật mà chỉ chờ đến mùa ong bay đi hết rồi đến lấy tổ về nấu lấy sáp.”

Hàng trăm năm nay, người dân Hoài Khao vẫn luôn bảo vệ và khai thác tổ ong theo kiểu truyền thống như vậy. Cả xóm sẽ chia ra làm nhiều tổ khác nhau, mỗi tổ đảm nhận một nhiệm vụ, được đổi luân phiên sau mỗi năm. Tổ lên rừng lấy củi, tổ thì nấu ăn, tổ lên rừng khai thác ong khoái, tổ khác sẽ nấu sáp ong...
 

Anh 5
Sáp tổ ong khoái mang về được tách, bẻ nhỏ và cho lên chảo gang to đun với nước.

Sau bữa cơm chung, bà con xóm Hoài Khao lại bắt tay vào công đoạn nấu sáp ong. Bên bếp lửa bập bùng, mọi người cùng nhau nhặt từng vỉa tổ ong Khoái cho vào 2 chảo trên bếp và đổ nước vào để nấu. Nước sôi, sáp ong nguyên chất tan dần khỏi vỉa tổ, hòa vào nước đang sôi, nhìn loang loáng như vết dầu loang trên mặt nước. 

Gặp nước nóng, sáp ong tan chảy ra, nhưng vẫn còn sáp ong sót lại trong những vỉa tổ ong. Vì vậy, bà con đã chuẩn bị sẵn những cái giỏ đan bằng tre nứa đựng những vỉa tổ ong còn sáp ép lấy phần sáp ong còn lại. Sau khi ép sáp ong xuống chảo, bà con đổ nước lạnh để sáp ong kết tinh dần tạo thành từng vỉa vàng óng nổi trên mặt nước. Tiếp tục dùng rổ vớt sáp ong nguyên chất, bóp cho ra hết nước còn lại rồi cho vào bao tải. Công việc được tiến hành liên tục, các tổ thay phiên nhau, mỗi người một việc, người đun lửa, người ép sáp ong.

Công đoạn cuối cùng là cô sáp ong thành khối nguyên chất. Lúc này, những vỉa sáp ong đã vớt lên một lần nữa được rửa sạch, loại bỏ hết tạp chất mới được cho vào chảo cô lại, đảm bảo tinh khiết để dùng dần. Khi những mẻ sáp ong đã được cô lại, phải để nguội mới lấy ra để cho các hộ gia đình trong xóm.

Sáp ong Khoái là nguyên liệu quý đã được các thế hệ người Dao ở Hoài Khao dùng để in các họa tiết, hoa văn trên trang phục. Bà Chu Thị Tàn, xóm Hoài Khao cho biết: "Sáp ong có nhiều loại, nhưng để in hoa văn trên trang phục váy áo của dân tộc Dao Tiền thì sáp ong Khoái là loại tốt nhất. Từ nhỏ, tôi đã được mẹ truyền dạy thêu, may và in hoa văn bằng sáp ong lên trang phục. Phụ nữ trong xóm hầu hết đều tự may trang phục cho mình. Mỗi người có khoảng 10 - 30 bộ trang phục để mặc trong các dịp lễ hội, lễ cấp sắc, ngày cưới xin, lao động... "

Ông Hoàng Quốc Chấn, Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết: Để bảo vệ loài ong Khoái xóm Hoài Khao “có một không hai” gắn liền với nghệ thuật in hoa văn truyền thống rất đặc sắc này, xóm đã xây dựng quy ước chặt chẽ, đồng thời, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong việc gìn giữ văn hóa, bảo vệ đàn ong và môi trường sinh thái. Thời gian qua, chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền xã luôn quan tâm tới công tác bảo vệ, khai thác hợp lý các giá trị văn hóa của xóm Hoài Khao phục vụ phát triển du lịch địa phương.    

Tác giả bài viết: Ánh Hoa - Hoài Nam - Hoàng Thơm - Hồng Son

Nguồn tin: Bản tin Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây