Nguyên Bình: Chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch

Thứ tư - 06/10/2021 14:25
Nằm trong tuyến du lịch phía Tây "Khám phá Phja Oắc - Vùng núi của những đổi thay" của CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng, huyện Nguyên Bình sở hữu nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, để lượng khách du lịch đến địa phương ngày càng nhiều thì đòi hỏi phải có sự đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch tương xứng.
1 Cơ sở hạ tầng Hoài Khao
Cơ sở hạ tầng Làng du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành cơ bản đã hoàn thành

Huyện Nguyên Bình được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp, hệ động thực vật phong phú, khí hậu trong lành mát mẻ. Nguyên Bình còn nằm trong khu vực Công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng với đa dạng địa hình, cảnh quan, khoáng sản, nhiều loài động, thực vật quý hiếm được du khách rất quan tâm và tìm đến để khám phá. Đặc biệt là 16 điểm di sản trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng: san hô cổ Lang Môn, Đồn Phai Khắt, xưởng thêu của người Dao Tiền, Tuyến đường Võ Nguyên Giáp, cảnh quan lưng rồng, thung lũng treo Tĩnh Túc, Mỏ thiếc Tĩnh Túc, Mỏ Vonfram Lũng Mười, Trang trại cá hồi, đá granit Phja Oắc, Đồn điền chè Kolia…

2 Đường lên đỉnh Phja Oắc
Bãi đỗ xe trên đỉnh Phja Oắc

Để xây dựng hình ảnh riêng, có chính sách quản lý và quảng bá du lịch, tăng cường quản lý môi trường, cải thiện hệ thống giao thông để mở rộng cơ hội cho khách du lịch tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện…, việc Nguyên Bình tăng cường các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch được xem là hướng đi đúng.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã phát triển Khu du lịch sinh thái Kolia với phức hợp dịch vụ: nhà hàng, lưu trú, trải nghiệm… tiện nghi và mang bản sắc các dân tộc huyện Nguyên Bình. Ngoài ra, huyện đang xây dựng 1 làng du lịch cộng đồng tại xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, 1 xưởng thêu và in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền tại xã Hoa Thám, cùng nhiều hạng mục du lịch, dịch vụ khác. Trên địa bàn toàn huyện có 13 cơ sở lưu trú với 84 phòng nghỉ, trong đó có 2 cơ sở lưu trú đạt chuẩn tiêu chuẩn 1 sao. Đến nay, toàn huyện có 13 cơ sở lưu trú với 84 phòng nghỉ, trong đó có 02 cơ sở lưu trú đạt chuẩn tiêu chuẩn 1 sao.

Trong bối cảnh đất nước đang chuyển dịch mạnh mẽ sang “nền kinh tế xanh, sạch”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Nguyên Bình đã xác định cần tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch, tạo sự bứt phá trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nhiều cây trồng mũi nhọn được khai thác cho phát triển ngành du lịch địa phương có thể kể đến như: mía, trúc sào, lê, thanh long, dong riềng... Để khai thác tốt lợi thế này, huyện đã tập trung vào xây dựng cơ chế ưu đãi hỗ trợ, làm tốt công tác quy hoạch để thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và các dịch vụ liên quan (lưu trú, ẩm thực...). Bên cạnh đó, Huyện tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vệ sinh môi trường, hỗ trợ một số hộ dân tại làng du lịch cộng đồng về chỉnh trang nhà ở, xây dựng công trình vệ sinh, nhà tắm gọn gàng, duy trì và phát triển một số nghề truyền thống để phục vụ du lịch.

3 kolia
Dịch vụ lưu trú tại Khu du lịch sinh thái Kolia mang bản sắc văn hóa truyền thống

Trong 2 năm 2019-2020, để đẩy mạnh phát triển du lịch, huyện đã đẩy mạnh đầu tư nhiều dự án tại các xã có tiềm năng du lịch. Theo báo cáo của phòng Văn hóa - thông tin huyện Nguyên Bình, hiện địa phương đang triển khai Chương trình phát triển dịch vụ du lịch vùng Phia Oắc – Phia Đén. Nhiều công trình hạ tầng giao thông đang thi công giai đoạn nền đường như: Tuyến đường giao thông Cao Sơn – Phan Thanh, Phan Thanh – Phia Đén; tuyến tỉnh lộ 212 đến UBND xã Thành Công, xã Hưng Đạo với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Tại làng du lịch cộng đồng Hoài Khao, cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn thành. Huyện đang hỗ trợ 7 hộ xây dựng mô hình homestay; UBND xã Quanh Thành thành lập 10 tổ đội hoạt động phục vụ du lịch; xây dựng dự thảo quy chế hoạt động của làng và các tổ đội; có biển chỉ dẫn, biển hiệu, có công trình nước sinh hoạt, đầu tư lưới điện và nước thủy lợi. Dự kiến tháng 10/2021, huyện sẽ tổ chức công bố làng DLCĐ Hoài Khao và đưa vào khai thác du lịch.

44
Hoàn thành tuyến đường đến hang ong Khoái

Giai đoạn 2021-2025, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ, khai thác tiềm năng vùng Phja Oắc - Phja Đén, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo. Từng bước mở rộng và phát triển thị trấn Nguyên Bình theo quy hoạch giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tăng cường quản lý, giám sát hiệu quả đối với từng dự án. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, hạ tầng vùng sâu, vùng xa. Đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp khu vực trung tâm huyện, các xã, thị trấn. Triển khai phương án kết nối giao thông; nâng cấp, kết nối giữa các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện, phấn đấu đến năm 2025, đường giao thông từ huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông mặt đường.
Với những hoạch định của Huyện đã và đang thực hiện, tin tưởng trong tương lai không xa, ngành du lịch huyện Nguyên Bình sẽ phát triển mạnh mẽ xứng đáng với vị thế, tiềm năng của huyện./.

Tác giả bài viết: Hồng Son

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây