Du xuân đền, chùa – Hành trình về nguồn cội

Thứ sáu - 18/02/2022 09:36
Đầu xuân là dịp người dân khắp nơi đi lễ đền, chùa để cầu an, cầu tài, cầu phúc, cầu lộc. Trên tuyến du lịch phía Bắc của Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, các đền, chùa là điểm đến du xuân đầu năm du khách không thể bỏ qua. Đây còn là hành trình về nguồn cội, về với những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đền Vua Lê
 

1 Den Vua Le 1

Đền Vua Lê là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (Ảnh: Phạm Khoa)

Mở đầu trong tuyến phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, du khách có thể đến đền Vua Lê. Nằm ở làng Đền, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, đền Vua Lê cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 12km. Đền thờ vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi Cao hoàng đế).

Đền Vua Lê nằm trong quần thể di tích thành Nà Lữ. Trong thành có 4 gò đất nổi lên được đặt tên là: Long, Ly, Quy, Phượng. Đền Vua Lê dựng trên gò Long (gò rồng). Theo truyền thuyết và những tư liệu lịch sử, thành Nà Lữ do Cao Biền (Tiết Độ sứ thời nhà Đường) xây dựng. Sau này, nơi đây lại là “kinh đô” của nước Trường Sinh do Nùng Tồn Phúc (cha của Nùng Trí Cao) tự xưng là Chiêu Thánh hoàng đế; là cung điện của 3 đời nhà Mạc. Đến năm 1682 (năm Chính Hòa thứ 3 đời vua Lê Hy Tông), quan trấn thủ Cao Bằng là Lê Văn Hải đã tâu xin vua cho sửa chữa thành Nà Lữ làm đền thờ vua Lê Thái Tổ, lấy áo bào và thanh kiếm thờ ở chỗ ngai vàng.

Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, đền Vua Lê là nơi hội tụ của những người dân yêu nước, cũng là nơi diễn ra một số sự kiện quan trọng của Đảng.
 

2 Nơi thờ tự vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) trong đền Vua Lê

Nơi thờ tự vua Lê Thái Tổ trong đền Vua Lê (Ảnh: Hoài Nam)

Như vậy, đền Vua Lê là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của nhiều thời đại phong kiến; đồng thời gắn liền với những năm tháng kháng chiến gian khổ, hào hùng của Đảng ta. Đền Vua Lê chính là di sản lịch sử văn hóa quý báu mà cha ông để lại cho mảnh đất Cao Bằng.
Hội đền Vua Lê được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm. Đến với hội đền vào dịp đầu năm, du khách có dịp hòa vào không khí lễ hội xuân bản địa; tham quan một công trình kiến trúc độc đáo; có dịp tìm lại những dấu tích của “cố đô” ngàn xưa nơi miền Non nước Cao Bằng.

Đền Dẻ Đoóng

3 Den De Dong

Du khách dâng hương tại đền Dẻ Đoóng (Ảnh: Hoài Nam)

Tiếp tục cuộc hành hương đầu xuân, lựa chọn tiếp theo trong tuyến phía Bắc của CVĐC là đền Dẻ Đoóng. Đền nằm tại làng Dẻ Đoóng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 16km. Đền được xây dựng vào năm 1429, ban đầu để thờ thần sông, thần núi có công với nhân dân trong vùng. Sau này, đền được tu sửa dưới thời Hậu Lê và có đưa thêm tượng phật và tượng thánh mẫu vào thờ. Đền Dẻ Đoóng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008.

Lễ hội đền Dẻ Đoóng được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm. Đến đền, du khách được cảm nhận về cuộc sống và cảnh quan như ở một làng xóm thuộc châu thổ Sông Hồng, hiểu thêm về tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp nơi đây với khát vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đền thờ Nùng Trí Cao tại xóm Cốc Vường, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng
 

4 Den Tho Nung Tri Cao Ha Quang

Đền thờ Nùng Trí Cao tại xóm Cốc Vường, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng (Ảnh: Phạm Khoa)

Nùng Trí Cao là một nhân vật lịch sử sống ở thế kỷ XI. Trong tâm thức của cộng đồng người Tày, Nùng, ông được suy tôn như một vị anh hùng, một biểu tượng đại diện cho sức mạnh và ý chí của các dân tộc vùng cao chống lại thế lực thống trị phong kiến. Ở Cao Bằng, ông được nhân dân lập đền thờ ở nhiều nơi như: thành phố Cao Bằng, huyện Hòa An, Hà Quảng, Quảng Hòa,... Đền thờ Nùng Trí Cao tại xóm Cốc Vường, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng được xây dựng từ năm 1889. Năm 1979, chiến tranh Biên giới xảy ra, đền thờ bị phá hủy hoàn toàn. Năm 2001, nhân dân trong xã đã đóng góp tiền của, công sức để xây lại đền. Năm 2010, đền được trùng tu lại khang trang như ngày nay.

Năm 2011, đền thờ Nùng Trí Cao được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Hằng năm, lễ hội đền thờ Nùng Trí Cao gắn với lễ hội Sóc Giang, tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng. Đây là dịp để tôn vinh đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đồng thời là nơi nhân dân địa phương, du khách gần xa đến vui xuân, cầu phúc, cầu lộc, cầu an.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó
 

5 Den tho HCM

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Ảnh: Hoài Nam)

Đền thờ - nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại vị trí trung tâm vùng đất thiêng Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng). Kiến trúc ngôi đền được cách điệu từ dáng ngôi nhà sàn truyền thống, tạo cảm giác uy nghi mà vẫn giản dị, gần gũi. Công trình được khởi công vào dịp Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác (19/5/2010), và khánh thành, đưa vào sử dụng, đón khách từ tháng 5/2011. Đây không chỉ là đền thờ Bác mà còn là nơi thể hiện công lao to lớn của Người; thể hiện lòng biết ơn, tôn trọng của dân tộc ta với Người và cũng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước đối với mọi thế hệ con cháu Việt Nam.

Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên lễ hội tại các đền, chùa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Tuy nhiên, du xuân đền, chùa Cao Bằng theo tuyến trải nghiệm phía Bắc của CVĐC, du khách sẽ cảm nhận được không khí mùa xuân đặc trưng nơi vùng cao. Đặc biệt đây sẽ là hành trình vô cùng ý nghĩa để về với những giá trị văn hóa truyền thống: đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng yêu nước, yêu quê hương xứ sở,… Từ đó làm giàu thêm cho tâm hồn mình, hứng khởi đón một năm mới với nhiều may mắn và thành công.
 

Tác giả bài viết: Hoàng Thơm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây