Điểm du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) có 100% dân tộc Dao Tiền sinh sống từ lâu đã thu hút du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ với các nếp nhà gỗ trệt xen giữa những nương ngô, thửa ruộng bậc thang xanh ngút ngàn và các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo còn nhiều “ẩn số” cần khám phá. Ông Chu Khánh Nguyên - một trong những hộ đầu tiên mở dịch vụ homestay ở Hoài Khao chia sẻ: Du khách rất thích thú khi được trải nghiệm các hoạt động hằng ngày với người dân như: lên nương rẫy, chăm sóc gia súc, gia cầm, thêu, dệt thổ cẩm, in hoa văn bằng sáp ong, tham gia hát và nhảy dân ca, dân vũ, chế biến các món ăn truyền thống xôi nếp nương, măng khô nấu canh…
Tại xã Tiên Thành (Quảng Hòa) có xóm Bản Giuồng được mệnh danh là “làng Tày cổ” của miền non nước. Nhiều năm qua, xóm đón rất nhiều đoàn chuyên gia, công ty lữ hành đến nghiên cứu, khảo sát và đầu tư để phát triển thành điểm đến DLVH tiêu biểu của tỉnh với những dấu ấn văn hóa người Tày đậm nét qua các phong tục, tập quán, nếp nhà sàn hàng trăm tuổi… Đặc biệt, đây còn là xóm có nhiều nghệ nhân trực tiếp gìn giữ, bảo tồn Lễ hội Nàng Hai - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Hoàng Thị Đà cho biết: Huyện đang từng bước hình thành sản phẩm du lịch mới, trong đó, loại hình DLVH được chú trọng bởi phù hợp và phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương, như: đầu tư, phát triển hạ tầng và nâng cao nhân lực dịch vụ du lịch tại điểm du lịch Khuổi Khon, xã Kim Cúc; chợ đêm thị trấn Bảo Lạc hoạt động vào tối thứ Bảy hằng tuần… Ngoài ra, hằng năm huyện tổ chức các lễ hội truyền thống: Lễ hội Lồng tồng, Chợ tình phong lưu, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông… tạo được dấu ấn đối với các cơ quan truyền thông và thu hút đông đảo khách du lịch đến trải nghiệm. Thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển DLVH khai thác vốn văn hóa truyền thống nhằm tạo ra các sản phẩm DLVH mang tính dân tộc; bảo tồn, gìn giữ các lễ hội và khôi phục các phong tục, tập quán đặc sắc, tạo ra các sản phẩm DLVH độc đáo phục vụ khách du lịch.
Cao Bằng với nhiều dân tộc cùng sinh sống, từ bao đời đã vun đắp nên một kho tàng phong tục, tập quán khá đồ sộ, độc đáo; đồng thời, có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc. Những năm qua, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa các lễ hội, phong tục, tập quán; tranh thủ các nguồn lực để nâng cấp hạ tầng cơ sở du lịch đến các khu, điểm du lịch; vận động các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng… phục vụ du khách. Công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa gắn với khôi phục phần lễ, tổ chức các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống được chính quyền địa phương, ban quản lý các di tích lịch sử, văn hóa, các đền, chùa thường xuyên quan tâm làm phong phú, hấp dẫn các lễ hội.
Để DLVH ngày càng phát triển, ngành du lịch tỉnh cần dựa vào các yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội để xây dựng những sản phẩm DLVH đặc thù riêng có của tỉnh. Sản phẩm DLVH đặc thù phải thổi hồn được văn hóa của mỗi dân tộc, địa phương để có sức hấp dẫn riêng, mang thương hiệu miền Non nước Cao Bằng. Tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác nghiên cứu, sưu tầm, tập hợp các phong tục, tập quán, lễ hội có giá trị đang tồn tại khắp các vùng, miền, từ đó, chọn lọc để giữ gìn, phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, có tính nhân văn cao, loại trừ những phong tục, tập quán không phù hợp. Đồng thời, tác động để hình thành những phong tục, tập quán phù hợp với đời sống, bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới.
Xây dựng quy hoạch, kế hoạch các lễ hội trọng điểm để từng bước đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch. Tích cực giới thiệu, quảng bá các phong tục, tập quán đặc sắc và lễ hội tiêu biểu mang tính vùng lãnh thổ rộng rãi trong và ngoài nước. Liên kết các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh xây dựng tour, tuyến, điểm du lịch DLVH phù hợp.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn