Truyện kể rằng: Ngày xưa, những cô gái Tày ở Cao Bằng nổi tiếng chăm chỉ, xinh đẹp, nết na, thùy mị và từ nhỏ đã được cha mẹ dạy chơi đàn Tính, học múa, học hát... Bởi thế, họ thường được quan viên trong vùng tiến cử vào cung để dâng lên bậc vua, chúa.
Thác Bản Giốc đậm màu sắc huyền thoại. Ảnh: Đàm Hằng.
Ngày nọ, có vị hoàng tử trong một lần ngao du sơn thủy đã bị hút hồn bởi vẻ đẹp của cô gái Tày miền sơn cước. Nhưng tình yêu của hoàng tử lại bị khước từ vì cô gái đã trót hứa hẹn với chàng trai bản bên. Bị từ chối, hoàng tử vô cùng tức giận, liền cho lính bắt và áp giải cô gái về cung. Suốt dọc đường, nàng tìm mọi cách chạy trốn nhưng cuối cùng vẫn không chạy thoát.
Lại nói về chàng trai bản bên, khi biết tin, chàng đã quyết tâm đi theo và tìm mọi cách để giành lại người yêu. Vào đêm nọ, chàng bỏ thuốc mê khiến lính canh ngủ say và đưa người yêu chạy trốn. Vượt bao đèo dốc, hai người đã trốn thoát và trở về quê nhà. Đến nơi, do quá mệt, kiệt sức nên hai người lịm đi và cùng chìm vào giấc ngủ ngàn thu.
Khi phát hiện nàng sơn nữ bỏ trốn, hoàng tử sai quân lính truy đuổi khắp nơi. Đúng lúc đó, trời đổ cơn mưa lớn, nước dâng cao. Khi trời tạnh, kỳ lạ thay, người ta thấy hai ngọn thác lớn nước đổ trắng xóa, còn dưới chân thác là mặt sông hiền hòa phẳng lặng như không vương một chút bụi trần.
Dựa trên tích đó, người dân địa phương đưa ra lời giải thích: Ngọn thác thấp gồm ba tầng, có hai tầng sát nhau ví như tư thế đôi tình nhân đang ôm nhau. Đó chính là hình ảnh người con trai đang ôm người yêu vào lòng và cả hai cùng khóc, giọt nước mắt quyện vào nhau thành dòng thác cuồn cuộn. Còn ngọn thác cao chính là hình ảnh của vị hoàng tử nọ, vì quá tiếc nuối nên đã hóa thành thác dữ.
Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, thuộc đường biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc. Với vẻ đẹp kỳ vĩ hiếm có, thác Bản Giốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia theo Quyết định số 989/QĐ-BVHTTDL ngày 20/5/1998; là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á; thác còn lọt vào top 10 thác đẹp nhất thế giới và là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác lớn có đường biên giới giữa các quốc gia, đứng sau thác Iguazu (giữa Brasil và Argentina), thác Victoria (giữa Zambia và Zimbabue), và thác Niagara (giữa Hoa Kỳ và Canada). Hằng năm, nơi đây thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tới tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đắm say lòng người của đệ nhất danh thác Việt Nam.
Theo khảo sát mới nhất của Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, thác Bản Giốc rộng khoảng 300m, gồm: Thác cao và thác thấp. Thác cao nằm hoàn toàn trong địa phận Việt Nam, rộng khoảng 150m, cao khoảng 30m và gồm một tầng. Thác thấp nằm giữa biên giới Việt - Trung, rộng khoảng 50m, cao khoảng 35m, gồm ba tầng, do cả Việt Nam và Trung Quốc cùng quản lý trên cơ sở tuân thủ một thỏa thuận quốc tế đặc biệt về điều lệ, phạm vi hoạt động du lịch ở cả hai bên thác nước chung.
Thiếu nữ bên dòng thác. Ảnh: Đàm Hằng.
Vào mùa mưa, dòng thác dữ dội tung bọt trắng xóa, còn mùa khô dòng thác trong xanh và hiền hòa. Dưới chân thác là dòng sông mở rộng, trông như một hồ lớn, mặt nước phẳng lặng như gương. Hai bên bờ là những thảm cỏ xanh rì còn đọng hơi sương và bao quanh bởi đại ngàn xanh thẳm. Tới đây, du khách có thể đi dạo bộ, cưỡi ngựa thong dong xung quanh chân thác và ngắm nhìn bức tranh tuyệt tác của thiên nhiên tại Cao Bằng. Thêm nữa, du khách có thể lựa chọn hình thức du ngoạn ngắm phong cảnh trên những chiếc bè mộc mạc nhưng không kém chất thi vị; hoặc tham gia du lịch mạo hiểm với trò chơi đua thuyền kayak trên dòng sông Quây Sơn…
Chèo thuyền kayak trên sông Quây Sơn. Ảnh: Quây Sơn Homestay.
Vẻ đẹp thác Bản Giốc luôn đan xen giữa hùng vĩ, dữ dội với nét mộng mơ hiền hòa và trữ tình sâu lắng. Là một điểm di sản nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, thác Bản Giốc - điểm đến vô cùng hấp dẫn, hứa hẹn sẽ đem lại những trải nghiệm quý báu cho du khách.
Tác giả bài viết: Xuân Quỳnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn